Gỡ điểm nghẽn, rào cản, phát triển bền vững công nghiệp văn hóa

Chủ nhật, 07/01/2024 08:34 GMT+7

Google News

Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu rõ ngành Văn hóa cần phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, trong đó có việc khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoàn Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dù đã đạt một số kết quả ban đầu, tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn, rào cản cần tháo gỡ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoàn Sơn nêu: Nhiều người vẫn coi công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực thuần túy kinh tế, ít chứa đựng giá trị văn hóa, chạy theo đồng tiền, coi nhẹ các sản phẩm văn hóa, không định hướng, thậm chí buông lỏng quản lý. Nhưng có người lại coi văn hóa là lĩnh vực đặc biệt, cần lánh xa sự chi phối của kinh tế thị trường. Ông cho rằng, sản phẩm văn hóa là sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt. Do đó, sản phẩm này cần phải theo đúng các quy luật thị trường nhưng phải được điều tiết theo những giá trị đạo đức, nhân văn của văn hóa.

Gỡ điểm nghẽn, rào cản, phát triển bền vững công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Được thành lập năm 1905, từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoàn Sơn cho rằng: Cần hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để phù hợp với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Hiện, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp nhưng về pháp luật mới chỉ có Luật điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 là đi theo hướng phát triển của công nghiệp văn hóa. Hệ thống các chính sách và luật pháp liên quan đến công nghiệp văn hóa còn thiếu nhiều.

Bên cạnh đó, dù đã nỗ lực nhưng nguồn lực tài chính (của cả nhà nước và khu vực tư nhân, xã hội) hỗ trợ cho văn hóa chưa tương xứng với nhu cầu phát triển nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. Chúng ta thiếu các bảo tàng, nhà hát, sân vận động... để tổ chức các sự kiện quy mô quốc tế, xây dựng thương hiệu cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam...

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cụ thể là sớm xây dựng và ban hành các Luật: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh; Tài trợ, hiến tặng... Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung một số Luật chưa theo kịp sự phát triển thực tiễn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, công nghệ số như hiện nay như Luật Quảng cáo; Luật Di sản văn hóa. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật, đổi mới cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp hơn với phát triển công nghiệp văn hóa với tư cách là sự hội tụ đa ngành, tháo gỡ kịp thời  khó khăn, rào cản, vướng mắc, nhất là ở lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, di sản văn hóa, quảng cáo, sở hữu trí tuệ.

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan nêu rõ: Cần tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính cho  công nghiệp văn hóa, tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm như Chiến lược đã đề ra. Hiện, ngân sách cho cho toàn ngành Văn hóa mới chỉ đạo khoảng 1,7%, trong khi mục tiêu đề ra là đảm bảo ít nhất 1,8% ngân sách.

Bà đề xuất nên thành lập các quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật như Quỹ phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ văn hóa số; Quỹ hỗ trợ nghệ thuật. Nguồn vốn ban đầu có thể do Nhà nước cấp (tham khảo kinh nghiệm Anh, Italy lấy từ nguồn thu xổ số) hoặc trích % từ doanh thu quảng cáo, truyền thông số, bản quyền khai thác các sản phẩm do Nhà nước đầu tư, lệ phí bán vé, các khoản hiến tặng, nguồn thu hợp pháp khác. Chẳng hạn như, Trung Quốc quy định ngành công nghiệp giải trí (trung tâm khiêu vũ, ca nhạc, karaoke, phòng trà, sân golf, bowling...) phải đóng 3% lợi  nhuận vào Quỹ xây dựng văn hóa dưới sự quản lý của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đóng vai trò bảo trợ, “bà đỡ” về nền tảng vật chất, kỹ thuật, phân bổ quỹ đất, hỗ trợ đổi mới, phát triển công nghệ. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư phá triển hạ tầng số, trước mắt là đầu tư trọng điểm cho một số ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh về ứng dụng công nghệ số như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, phần mềm, trò chơi giải trí, truyền hình, thời trang...

Mặt khác, cần đổi mới cơ chế quản lý với các ngành công nghiệp văn hóa. Để giải phóng sức sáng tạo của nghệ sỹ, thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích sự đa dạng các biểu đạt văn hóa cần chuyển đổi cơ chế từ cấp phép, “xin - cho” sang cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn, cái gì pháp luật không cấm, công dân, nghệ sỹ, người sáng tạo, nhà sản xuất được phép làm; chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Do đó, xu hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa phải đáp ứng được  yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, độc đáo và khả năng cạnh tranh ở trong nước, quốc tế...

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›