Hình như những hành trình rời khỏi các đô thị lớn của Brazil luôn cần một chút gì đó để đưa người ta rời khỏi hiện tại. Những chiếc xe bus cũ, những người soát vé không còn trẻ mặc áo nhạt màu, những bài hát trên xe từ cách đây nhiều thập kỉ, những cảnh quan bên đường nghèo nàn và buồn tẻ, dăm thị trấn nhỏ lướt qua với những chú chó chạy loăng quăng, những thanh niên đứng lơ ngơ trước cửa và những quán bia vắng khách chăng đầy cờ Brazil.
Ouro Preto hiện ra một cách bỡ ngỡ và muộn màng sau gần hai tiếng đồng hồ trên con đường ngoằn ngoèo và càng đi càng lên cao giữa một vùng cao nguyên Brazil. Một tháp chuông nhà thờ hiện ra như mời gọi, một nghĩa trang cũ kĩ nằm bên con đường đất dẫn đến đó, nơi có một ông bố đang đứng thả diều cho hai đứa con dưới bầu trời đầy mây. Chính ở mảnh sân nhà thờ làm nơi mời gọi người phương xa đến cái nơi mà sau này ai cũng biết là đáng yêu ấy, người ta nhìn thấy cả một thành phố nhỏ cổ kính và đẹp mê hồn trải dài phía dưới.
Đấy đã từng là trung tâm của một vùng khai thác vàng nổi tiếng cách đây nhiều thế kỉ, khi Ouro Preto và một số thành phố nhỏ xung quanh là những nơi giàu nhất thế giới, bởi ở đấy, người ta đã tìm thấy vàng, rất nhiều vàng. Cơn sốt vàng ở đấy đã bùng lên từ hơn ba thế kỉ trước, sớm hơn nhiều những cuộc đổ xô đi tìm vàng ở Alaska vốn tốn khá nhiều giấy mực của các nhà văn hiện đại. Những câu chuyện xưa kể rằng, một người hầu đã vô tình nhặt được một khối kim loại đen khi ra con sông gần Ouro Preto bây giờ uống nước. Khối kim loại ấy chính là vàng, và trữ lượng vàng ở đây được phát hiện là lớn nhất Tân thế giới.
Vàng đã làm thay đổi nơi này một cách nhanh chóng. Ouro Preto (nghĩa là “vàng đen”) được thành lập vào năm 1717, trở thành thủ phủ của bang Minas Gerais (Minas nghĩa là “mỏ), và ngay từ khi khai sinh đã chứng kiến những làn sóng người đổ đến đây vì vàng. Người Bồ Đào Nha đổ đến vùng này. Những người nô lệ da đen được đưa đến đây từ các cánh đồng mía ở bang Bahia và các thảo nguyên Angola. Cho đến giữa thế kỉ 18, những mỏ vàng ở Minas Gerais đã sản xuất ra một nửa lượng vàng của thế giới. Ouro Preto thời đó có 110 nghìn dân (chủ yếu là nô lệ), trong khi Rio de Janeiro có 20 nghìn và New York chỉ 50 nghìn người. Vàng được chở về Bồ Đào Nha. Chỉ còn những thành phố như Ouro Preto thì ở lại.
Bao nhiêu năm đã qua kể từ ngày đó, thành phố của ngày xưa giờ vẫn còn nguyên hình dáng cũ với những con đường lát đá chạy lên, rồi lại xuống những ngọn đồi, với những con phố dốc như của thế kỉ 18, như một thành phố nào đó tôi đã gặp trên đất Bồ Đào Nha, qua những cánh cửa sơn màu sặc sỡ, những cửa sổ mở to với bức tượng truyền thống của bang này là những cô hầu gái da đen đang chắp tay nghiêng má nhìn ai đó, những bức tường rêu phong thách thức thời gian. Sự ồn ã và tấp nập trong cuộc đời bươn trải và trăn trở ở Belo Horizonte hay Rio de Janeiro không tồn tại ở thành phố với những con phố nhỏ với 23 nhà thờ cổ kính này (ở Sao Jose, một trong những nhà thờ của thành phố, có nơi yên nghỉ của Bernardo Guimaraes, tác giả của tiểu thuyết “Nô tì Isaura”, sau được dựng thành bộ phim truyền hình nổi tiếng cùng tên).
Không chỉ là trung tâm của một vùng khai thác vàng, Ouro Preto còn là nơi diễn ra phong trào đòi độc lập và xóa bỏ chế độ nô lệ đầu tiên của Brazil. Những ý tưởng về sự li khai khỏi Bồ Đào Nha được nhen nhóm vào cuối thế kỉ 18, khi điều kiện làm việc và sống ở các khu mỏ càng trở nên khó khăn, trong khi thuế vàng càng cao.
Năm 1789, chịu ảnh hưởng của các tư tưởng khai sáng của Cách mạng Pháp, nhà thơ Claudio da Costa cùng với những Tomas Antonio Gonzaga, Joaquim Jose da Silva Xavier (biệt danh “Tiradentes”, tức là “nhổ răng”) đã tiến hành khởi nghĩa chống lại thực dân Bồ Đào Nha. Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu. Những người đứng đầu cuộc khởi nghĩa bị hành quyết. Nhà của Tiradentes bị san phẳng và đất ở đó được rắc muối nhằm không cho cây nào có thể mọc lên. Vào năm 1897, thủ phủ của bang Minas Gerais được chuyển từ Ouro Preto về Belo Horizonte và năm 1980, Ouro Preto trở thành “Di sản thế giới” của UNESCO. |
Thế rồi sự im lặng như chết cũng trở lại. Brazil thất bại và sự thanh bình như vốn có bao trùm lên thành phố. Dường như những ai cố gắng lôi Ouro Preto từ quá khứ vào thực tại đều vô ích. Cuộc sống sôi động không ở đây. Một quá khứ vàng son theo đúng nghĩa đen của nó đã lùi xa. Ouro Preto bây giờ như cái xác còn lại của một thành phố mà phần hồn oanh liệt đã đi mất. Tôi trầm ngâm ngồi ngắm thành phố đẹp đẽ của một thời xa xưa dưới ánh nắng loang lổ trên mặt đất vì những bóng mây mà bỗng nhiên nhớ đến một thời chưa lâu của bóng đá Brazil. Trong cái năm mà đội tuyển đầy màu sắc diêm dúa vì truyền thông và quảng cáo của họ đại bại ngay trên chính đất nước mình, thì người ta càng nhớ hơn đến cái thời mà áo vàng của Brazil nhạt hơn, cầu thủ nhiều râu tóc hơn và chân tay không có hình xăm, nhưng bóng đá của họ đẹp hơn. Họ thậm chí đã thua trong những giải đấu lớn, từ Espana 82 đến Mexico 86, nhưng khi họ rời giải, người ta tiếc và khóc vì sự vắng mặt của họ hơn là vì xấu hổ thua như bây giờ.
Quá khứ là để yêu, để ngắm nghía và để hoài niệm trong phiền muộn và thở dài: những ngôi sao ngày xưa của “jogo bonito” (bóng đá đẹp) giờ ta chỉ còn được gặp trên những bức tường của Rio de Janeiro hay Sao Paulo mà những người họa sĩ đường phố đã vẽ lên, những chiến thắng cách đây chưa xa giờ đã chỉ còn gặp lại trong các băng hình, trên YouTube, trong bảo tàng bóng đá ở sân Maracana hay Sao Paulo, trong các trang sách ố vàng và nhiều huyền thoại một thời nay chỉ còn xuất hiện trong vai trò BLV truyền hình hoặc nở nụ cười bạc triệu trong những quảng cáo thương mại. Vàng của ngày xưa đã được khai thác ở Ouro Preto nhiều chẳng kém bao thế hệ tài năng chơi một thứ bóng đá hệt như nhảy samba trên sân trong nhiều thập kỉ. Bây giờ, Ouro Preto không còn vàng nữa, đội vàng-xanh đã quên mất samba. Họ chỉ biết nhảy những điệu break-dance lạc nhịp dưới sự chỉ đạo của một người biên đạo vũ điệu ngày càng lẩn thẩn.
Đã từng có một Ouro Preto. Và ngày xửa ngày xưa, cũng từng có một đội tuyển Brazil…
Ngày xưa, Brazil có Cotonette “Pais do futebol” (Đất nước của bóng đá) sản sinh ra những siêu sao bóng đá đã để lại bao dấu ấn trong lịch sử bóng đá thế giới và cũng sinh ra những cổ động viên huyền thoại.
Bây giờ, người ta biết đến Clovis Fernandes, 59 tuổi, biệt danh Gaucho da Copa, với tư cách là cổ động viên biểu tượng của Brazil, người đã ôm Cúp vàng (giả) và khóc trong trận thua thua Đức 1-7. Nhưng ít người biết, thực ra, người cổ động viên biểu tượng của Brazil là một người khác, một người đàn ông gày nhom, móm răng và được biết đến với biệt danh Cotonette, do bộ tóc giả to đùng như tổ quạ ông đội trên đầu.
Nhưng tên thật của ông là Claudio Ribeiro, làm nghề trông xe ở một góc đường giao nhau giữa phố Ipiranga và Sao Joao, nơi đã từng đi vào một bài hát nổi tiếng của Caetano Veloso (có câu “trái tim tôi đập mạnh khi đi ngang qua phố Ipiranga từ đường Sao Joao”). Nhưng câu chuyện của Cotonette không về việc trông xe, vì ông nổi tiếng không chỉ ở Nam Mỹ và trên cả thế giới, vì ông đã theo đội tuyển Brazil từ World Cup 1978. Trước đó, từ năm 1970, Cotonette đã trở nên nổi tiếng khắp Brazil khi Cotonette thành lập Explosao Coracao Corinthians, một hiệp hội cổ động viên cho đội Corinthians, hiện tại đã có hơn 30 nghìn thành viên. Ông nổi tiếng trong giới hâm mộ đến mức sau đó, nhiều công ty và cá nhân đã bỏ tiền vé máy bay và tiền mua vé vào sân để ông đi theo các trận đấu của đội tuyển Brazil từ năm 1978. Ông đã theo đội Brazil cả trăm trận, tới hàng chục nước, dự nhiều World Cup khác nhau, lên các mặt báo, lên truyền hình và trở thành biểu tượng của người hâm mộ nước này.
Thế nhưng, ở World Cup này, Cotonette không có mặt. Không ai biết ông ở đâu. Trước ngày khai mạc giải, nhà báo Alex Bellos, tác giả cuốn “Futebol” viết về bóng đá Brazil, đã đến Sao Paulo để tìm ông. Nhưng Bellos không tìm thấy Cotonette. Những người sống ở khu phố của ông không nhìn thấy ông trong một năm rồi. Chỉ có một người bán báo là biết đôi chút. Ông kể rằng, sau khi theo chân đội tuyển Brazil đến World Cup 2010, ông trở về và không muốn ăn uống gì cả, vì rất yếu. Tin cuối cùng mà người ta biết là ông được đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện tại Sao Paulo. Cotonette, người cổ động viên huyền thoại đã chết. Những huyền thoại bóng đá khác của Brazil có người còn, người mất, người giờ làm BLV truyền hình (như Ronaldo), người làm chính trị (Romario) hay chỉ xuất hiện trên những quảng cáo (Pele). Giá trị thực sự của bóng đá đẹp ngày xưa mà Brazil từng tôn thờ không còn nữa, mà bị ghẻ lạnh và hòa tan vào những dòng chảy bóng đá khác. |
Trương Anh Ngọc
(Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)
Tags