(Thethaovanhoa.vn) - Khi những căng thẳng tột độ trong loạt luân lưu của trận Brazil-Chile diễn ra, khiến 1 người lên cơn tim mà chết và hơn 100 người khác phải đi bệnh viện, và sau đó, cơn cuồng điên vì sung sướng nhờ chiến thắng, đất nước này trở lại đối mặt với hiện thực.
Người ta buộc phải nhìn nhận tất cả một cách thực tế hơn về những gì đã xảy ra và không để sự lạc quan tếu đẩy mình đến suy nghĩ, rằng “Hexa” (chức vô địch thế giới lần thứ sáu) chỉ còn cách họ đúng 3 chiến thắng nữa.
Tostao, cầu thủ huyền thoại của Brazil, người đã cùng đoạt Cúp vàng năm 1970, nói trên tờ Folha de Sao Paulo: “Chúng ta không có vấn đề gì về động lực, mà là chiến thuật và kĩ thuật. Chúng ta vẫn là ứng cử viên số 1, nhưng chúng ta hãy chuẩn bị cho những giây phút căng thẳng và sợ hãi”. Ông nói đúng. Khi một đội tuyển phải dựa vào Julio Cesar, một thủ môn bị cho là hết thời, và tung hô anh “Ave Cesar”, thì rõ ràng nó đang có rất nhiều vấn đề. Và nếu như người hâm mộ càng xem càng nhìn thấy những khiếm khuyết của đội tuyển không được sửa chữa sau từng trận đấu, họ không thể không nghi ngờ về năng lực thực sự của đội tuyển cũng như cơ hội cho cú “Hexa”. Như một cách để bào chữa cho đội tuyển cũng như chơi trò kích động để mọi người ủng hộ đội tuyển, trong khi tìm cách đoàn kết các cầu thủ, Carlos Alberto Parreira, HLV đưa Brazil đến chức vô địch World Cup 1994 còn cho rằng, “có một âm mưu chống lại chúng tôi. Cơ hội Brazil đoạt 6 Cúp vàng khiến nhiều người khó chịu. Đừng hỏi tôi là ai và tại sao”.
Tiền vệ Kleberson tại World Cup 2002.
Sẽ không ai hỏi Parreira về những điều ấy, nhưng người ta sẽ hỏi HLV đương nhiệm Scolari về việc, ông sẽ làm thế nào để đưa Brazil vượt qua những khó khăn chồng chất và đoạt “Hexa”. So với World Cup 2002, Scolari đã thay đổi thống thi đấu chứ không đổi thói quen. Khi đoạt “Penta” (chức vô địch thế giới thứ 5), Brazil của ông chơi với sơ đồ 3-4-1-2. Trong số 4 tiền vệ ấy, có cái tên Kleberson, người được đưa vào sân thay Juninho ở trận gặp Anh để củng cố thêm chất thép cho tuyến giữa. Từ trận ấy cho đến hết giải, Kleberson trở thành nhân tố then chốt trong việc gia tăng khả năng tranh chấp của tuyến giữa. 12 năm sau, Scolari đưa Paulinho ra để tung Fernandinho vào sân thay thế, nhưng hiệu quả cần thiết không đạt được như hồi 2002. Toàn bộ tuyến giữa của Brazil chính là vấn đề lớn nhất, khi nó không tạo ra cơ chế vận hành lối chơi bằng khả năng kiến thiết của mình, trong khi việc hỗ trợ phòng ngự cũng không hoàn thành. Brazil bây giờ chơi rất giống với Argentina ở World Cup 2010, một đội tuyển gần như không có tuyến giữa. Đức chẳng mấy khó khăn khi đè bẹp họ đến 4-0 ở Cape Town.
HLV Parreira của đội tuyển Brazil tại World Cup 1994 và 2006.
Sự yếu kém của hàng tiền vệ trong cầm bóng, điều chỉnh nhịp độ và kiến thiết là lí do khiến Brazil phải thực hiện nhiều đường chuyền ít chạm hơn, cố gắng di chuyển nhanh hơn để che giấu những khiếm khuyết của mình. Điều đó tỏ ra có tác dụng trong trận gặp Cameroon, nhưng khi đó, đội Châu Phi này đã bị loại và chẳng còn động lực gì nữa, nhưng đã tỏ ra vô ích trong trận gặp Chile, khi cái nóng và ẩm khiến họ mệt mỏi và không duy trì được lối chơi đó, trong khi chính Chile lại cầm bóng nhiều hơn. Colombia mạnh hơn Chile ở các cá nhân bùng nổ (như James Rodriguez) cũng như sự chắc chắn ở tuyến giữa và tính cơ động của cả đội. Họ có thể sẽ còn cầm được bóng nhiều hơn Chile, đội đã khiến cho Brazil phải chạy theo họ khi cầm bóng 52% ở trận đó, buộc Brazil bộc lộ nhiều sai lầm trong chuyền bóng bằng lối đá áp sát. Trong hoàn cảnh ít có bóng hơn, Brazil chỉ còn cách đứng chờ Chile mắc sai lầm và phản công nhanh. Không quá khó để khẳng định, chất lượng lối chơi của Brazil quá thấp và không thể bằng các World Cup trước, chưa nói đến các World Cup mà họ vô địch gần nhất vào năm 1994 và 2002.
Trong đội hình vô địch thế giới năm 2002, tuyến giữa của Brazil có hai cầu thủ chạy cánh cực kì hiệu quả là Cafu và Roberto Carlos, trong khi Gilberto Silva và Kleberson che chắn tốt cho hàng thủ ba người gồm Lucio, Edmilson và Roque Junior. Đội hình của Brazil năm 2002 đạt được nhiều tiêu chí khác nhau về sự cân bằng, khả năng phòng ngự, tấn công cũng như quán xuyến tốt khâu cầm bóng và kiến thiết, khi ở phía trên họ có những cầu thủ siêu hạng như Ronaldinho, Rivaldo và Ronaldo. So với đội hình ngày ấy, đội hình bây giờ yếu trên cả khía cạnh ngôi sao cũng như lối chơi. Dani Alves và Marcelo chơi khá ấn tượng khi dâng lên tấn công, nhưng có nhiều hạn chế trong phòng ngự, trong khi hai trung vệ Thiago Silva và David Luiz khá mạnh, nhất là trong không chiến, nhưng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ tuyến hai khi Brazil mất bóng.
Hàng tiền vệ Brazil lép vế trước Chile.
Điều đó xảy ra vì khoảng trống nhân sự và kĩ thuật ở hàng tiền vệ. Kleberson năm 2002 rất mạnh trong việc tranh chấp, thu hồi bóng và phát động tấn công. Trong khi đó, cặp Luiz Gustavo-Paulinho/Fernandinho chậm, dễ bị bắt bài, và điều quan trọng hơn cả là gây ra cảm giác, rằng họ bị đối phương áp đảo về người ở trung tuyến. Không có gì ngạc nhiên khi Brazil phải thực hiện những đường chuyền dài từ hàng thủ hoặc dựa vào khả năng của các cá nhân để dứt điểm hoặc tung ra những đường chuyền quyết định. Neymar, mệt mỏi và không tỏa sáng, thường xuyên phải lùi sâu để lấy bóng. Brazil không thể chơi như vậy nếu muốn vô địch và họ đã không như vậy trong cả hai lần vô địch gần nhất.
Trước khi nói đến những âm mưu chống lại Brazil, Parreira cần phải xem có phải chính đội bóng mà ông và 200 triệu người Brazil yêu mến ấy không xứng đáng với một âm mưu không, một khi họ không đủ mạnh để gồng mình lên cho cú “Hexa”.
Anh Ngọc (từ Rio de Janeiro)
Tags