(Thethaovanhoa.vn) - Hầu như mọi cuốn sách về Garrincha đều bắt đầu bằng đôi chân vòng kiềng rất dị của ông, với một chân dài hơn chân kia vài centimet, coi đó như nguồn gốc của những cú rê bóng siêu hạng đã từng làm điên đảo thế giới bóng hơn nửa thế kỉ về trước. Hồi ấy, tại World Cup 1962, Pele chấn thương và nhường sân khấu lớn cho Garrincha, để rồi cầu thủ có đôi chân dị dạng ấy đã đưa Brazil đến chức vô địch thế giới, bằng nỗ lực của cá nhân ông, với tư cách là người xuất sắc nhất, hệt như Maradona đã làm với Argentina ở World Cup 1986….
Cuộc gặp gỡ trên một bức tường
…Nhưng câu chuyện của tôi về ông lại bắt đầu theo cách khác, như một sự dàn xếp của số phận. Chiếc xe bus chở tôi đi qua khu Botafogo bỗng dưng chết máy trước đèn đỏ. Trong khi người lái xe vừa chửi thề vừa cố gắng khởi động lại máy, thì tôi nhìn thấy trên bức tường bao quanh trụ sở của Botafogo, một trong những đội bóng được yêu mến nhất ở Brazil, hình ảnh của ông. Một bức tranh đen trắng theo đúng màu áo của đội. Ông đứng đó, đeo áo số 7, mặt quay ra phía đường, bên cạnh chân dung của những cầu thủ huyền thoại khác trong lịch sử CLB, từ Nilton Santos cho đến Roberto Dinamite, những người đã viết nên bao trang sử của Botafogo và đội tuyển Brazil. Những người họa sĩ đường phố đã vẽ một serie các chân dung như thế trên một quãng tường dài hơn 10 mét, đủ để khiến tất cả những ai đi qua nơi này có dịp chiêm ngưỡng, như đang giở từng trang sử của Botafogo.
Garrincha được vẽ ở vị trí trang trọng nhất, và tôi, người đang tìm mua một cuốn sách mới xuất bản về Pele để đọc, nhằm hiểu hơn về con người huyền thoại hay cười ấy đã đưa Brazil lên bản đồ bóng đá thế giới, đã thay đổi ý định ấy. Trước đó, trong hiệu sách ở khu mua sắm sầm uất nhất Rio, khi thấy tôi hỏi tìm mua cuốn đó, một ông già đã đến vỗ vai và bảo, hãy đọc sách về Garrincha. Ông già bảo, người Brazil chỉ yêu quý Garrincha, vì tài năng, sự giản dị, chơi thứ bóng đá của niềm vui và vì cuộc đời kết thúc trong sự khốn cùng của ông. Pele xuất thân từ nghèo khổ, nhưng rời sân cỏ trong giàu sang và bước vào chính trị.
Có lẽ ông già đúng, vì nhiều người Brazil khác tôi hỏi về Pele cũng nói thế. Không phải ngẫu nhiên mà một sân vận động ở World Cup này mang tên ông, Mane Garrincha, sân ở thủ đô Brasilia. Bởi con người ấy, bằng đôi chân dị dạng và do đó có thể chạy theo một cách rất khó nắm bắt, chính là người thể hiện rõ nhất những nét mà người Brazil thấy mình ở trong đó: nghèo, giản dị, vui sống. Bóng đá với ông là niềm vui. Và cuộc đời với ông là một chuỗi dài thống khổ, bởi nó kết thúc trong đau đớn, nghèo đói và lãng quên của người đời.
Viết về cuộc đời của Pele và Garrincha, đồng thời so sánh hai cuộc đời ấy với nhau là điều mà các nhà viết sử bóng đá Brazil rất thích làm. Và họ tìm ra rất nhiều điểm trái ngược để từ đó chỉ ra tại sao Pele nổi tiếng trên thế giới, nhưng không được nhiều người Brazil yêu mến, trong khi trái tim của họ lại dành riêng cho Garrincha, thần tượng của những người nghèo cùng khổ, những người lăn lóc hè đường hoặc sống trong các favela (khu ổ chuột). Trong khi Pele được gọi là “O Rey” (Vua), thì một bộ phim tiểu sử gọi Garrincha là “Alegria do Povo” (Niềm vui của nhân dân). Pele được tôn vinh. Garrincha được yêu mến.
Khi một cuộc trưng cầu ý kiến người hâm mộ Brazil về cầu thủ mà họ yêu mến nhất trong lịch sử được công bố, Garrincha đứng đầu, Pele đứng phía sau. Những người hâm mộ đã bầu bằng trái tim theo cách ấy. Họ chọn Garrincha vì bóng đá của ông thể hiện niềm đam mê, bằng những cú rê bóng như phê thuốc của ông, qua hết cầu thủ này đến cầu thủ khác, và nếu yêu cầu ông làm lại, ông vẫn sẽ làm mà không chán. Họ chọn ông vì xem ông đá giống như trong phim câm hồi chưa phải 24 hình/giây. Ông chạy như một con rối, một diễn viên hề kiểu Charlie Chaplin với trái bóng. Pele khác Garrincha. Ông đầy tham vọng. Ông không sống cho ngày hôm nay, mà ông tính toán và lên kế hoạch. Ông là cầu thủ, sau đó là doanh nhân, nhà báo, nhà bình luận, chính trị gia, tóm lại, một thương hiệu. Garrincha chỉ là một cầu thủ chơi bóng đá cho vui. Bóng đá giúp ông trở thành huyền thoại, và rượu giết chết ông vào năm 1983.
Bia mộ giản dị của một người bình dị
Alex Bellos, trong cuốn “Futebol, The Brazilian way of life” viết rằng, không phải là người Brazil không thích Pele, mà ngược lại. Năm 1999, xe của Pele bị hai tên cướp chặn lại ở Sao Paulo. Khi biết người ngồi trong xe là ai, bọn cướp đã xin lỗi, cất súng và bỏ đi. Một năm sau ở Rio, đến lượt Romario bị cướp chặn lại. Nhưng chúng không nể anh, mà lấy đi của chiếc xe và toàn bộ tiền bạc, điện thoại, buộc anh phải cuốc bộ một đoạn về nhà. Nhưng người Brazil không yêu Pele như cách họ đã yêu Garrincha.
Bellos viết: “Pele không thể hiện sự khao khát của một quốc gia. Trên hết, Pele là hiện thân của chiến thắng. Garrincha là biểu tượng của bóng đá vị bóng đá. Brazil không phải là đất nước của những người chiến thắng. Đấy là đất nước những người thích vui vẻ”. Tác giả cuốn sách kết luận rằng, ở Brazil, người ta có một quan niệm, rằng Pele là một nhân vật mang tính quốc tế, người đóng góp vào bóng đá thế giới nhiều hơn là với bóng đá Brazil. Đối với người Brazil, Garrincha mới là số 1.
Khi viết những dòng này, tôi không biết nhiều bạn trẻ có hứng thú với chủ đề này không. Họ sinh ra và lớn lên trong thời đại của internet và Facebook, và những hình ảnh của Beckham, Ronaldo hay Messi dễ đi vào lòng họ hơn, vì đấy là những người đương thời. Nhưng tôi luôn hoài niệm, và nhìn bóng đá theo những góc độ khác, và chỉ muốn giải thích, ở “pais do futebol” (đất nước của bóng đá, Brazil), hóa ra Pele không phải là số 1.
Tôi chợt đến George Best, chàng Beatle thứ 5, người cũng đã bừng sáng trên sân cỏ trước khi lụi tắt trong cuộc sống thực, với men rượu, như Garrincha. Họ đều là những người chỉ sống trên sân bóng và rời khỏi sân cỏ, họ không lấy được cân bằng, và sống lay lắt như những người sắp chết. Ai đó đã viết rằng, nếu như Garrincha và Best là người đương thời, có lẽ họ sẽ giàu to và sẽ không rơi vào những bi kịch như thế. Chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra được, vì cả hai danh thủ ấy đều bất tử cùng trái bóng, và cái chết lãng xẹt càng làm cho hình ảnh của họ trở nên lung linh hơn.
Trên bia mộ của Garrincha ở xã Pau Grande quê ông, cách Rio de Janeiro gần 60 cây số, có dòng chữ: “Garrincha, niềm vui của Pau Grande, niềm vui của Mage (tên của huyện, trong đó có xã Pau Grande – A.N), niềm vui của Brazil, niềm vui của thế giới”. Ở phía dưới bia mộ là dòng chữ “Ông là đứa trẻ ngọt ngào/Ông nói chuyện với bầy chim”. Đấy là một ngôi mộ bình thường và giản dị hơn nhiều so với những ngôi mộ khác, chẳng hạn của Miguel Campos, “người hàng xóm” nằm ngay cạnh Garrincha. Ông này sinh năm 1932, một năm trước Garrincha, và qua đời năm 1957. Trên bia mộ ấy có dòng chữ, “Con sẽ mãi mãi được mẹ, anh em và đồng đội ở CLB Vila Atletico Clube nhớ đến”. Một cầu thủ vô danh, chơi cho một CLB xoành xĩnh, nhưng có mộ to hơn, đẹp hơn và chăm sóc tốt hơn mộ của người đã từng đưa Brazil đến hai chức vô địch thế giới là một bi kịch thực sự của bóng đá Brazil và của riêng Garrincha.
Nhưng ông sống mãi trong lòng nhân dân Brazil, những người luôn nhìn thấy họ trong ông, và ông trong họ. Họ yêu ông, bởi ông là hiện thân của một thứ bóng đá đã khai thác ông đến kiệt quệ, và bỏ rơi ông sau khi ông giã từ sân cỏ, giống như họ, bị lợi dụng đến cùng cực. Chẳng hạn như ở World Cup này…
Garrincha, hào quang và bi kịch Khoác áo đội tuyển lần đầu vào năm 1955 và được cho là người đã khởi nguồn lên tiếng hô “Ole” trên các sân vận động sau những pha đi bóng mượt như lụa cao cấp của ông, Garrincha bùng nổ ở World Cup 1958 ở Thụy Điển. Garrincha không ra sân hai trận đầu. Pele cũng thế. Nhưng họ xuất hiện ở trận thứ ba, và đóng góp công lớn cho trận thắng Liên Xô. Báo chí đương thời viết rằng, các cầu thủ đã họp và đòi hỏi HLV Feola phải đưa Pele, một cầu thủ da đen, và Garrincha, người lai đen và da đỏ, vào đội hình, vì tài năng xuất chúng của họ. Feola đành phải chấp nhận. Đó cũng là sự mở đầu cho một mối hợp tác của đôi tiền đạo hay nhất trong lịch sử bóng đá Brazil. Khi Pele và Garrincha cùng ra sân, Brazil không thua một trận đấu nào trong nhiều năm. Brazil vô địch thế giới năm ấy. Pele được ca ngợi là một thiên tài. Nhưng Garrincha (và Didi, Vava) mới được tôn vinh. Một nhà thơ viết về Garrincha: “như một nhà thơ được thiên thần chạm vào, một người nhạc sĩ sáng tác theo một giai điệu rơi xuống từ trời cao, một vũ công nhảy theo một nhịp điệu, Garrincha chơi một thứ bóng đá đầy cảm hứng và mê hoặc, vui vẻ và không lường trước được”. Bốn năm sau, Brazil mang hầu hết đội hình đã vô địch năm 1958 đến World Cup Chile. Pele lúc ấy 21 tuổi và đã được coi là trung phong hoàn hảo nhất thời điểm ấy, nhưng ông chấn thương ở trận đấu thứ hai, trong khi phần lớn cựu binh 1958 đều ở giai đoạn cuối sự nghiệp. Garrincha, lúc đó 29 tuổi, đã gánh toàn bộ đội tuyển trên vai, và đưa nó đến chức vô địch. Năm 1962 ấy cũng là sự khởi đầu của một quá trình diệt vong. Đầu gối ông bắt đầu đau từ thời kì đó và với việc sống một cách bản năng, Garrincha rất nghèo, dù 2 lần vô địch thế giới. Trong khi ấy, Botafogo đã lợi dụng sự ngây thơ của ông để buộc ông kí những hợp đồng ma, hứa trả ông những khoản tiền ông không bao giờ nhận được, và ông tiếp tục sống trong ngôi nhà ổ chuột của mình. World Cup 1966, Garrincha đá cặp với Pele lần cuối cùng ở trận thắng Bulgaria 2-0 và sự nghiệp của ông với đội tuyển kết thúc bằng một thất bại, trận thua Hungary 1-3. Hôm ấy, Pele không ra sân. Garrincha là một bi kịch thực sự. Ông đã lái xe đâm vào bố mình, đã gây tai nạn để mẹ vợ chết và sau đó, ông đã định tự tử vài lần nhưng không thành. Ông lao vào rượu và khi nhận ra cần phải thay đổi cách sống, ông đã đến vay các nhà lãnh đạo thể thao Brazil một chút tiền, nhưng họ từ chối, đẩy ông vào tuyệt vọng. Garrincha chết ngày 19/1/1983, sau một cơn say, để lại 13 người con. Nhưng những bi kịch tiếp tục đeo đẳng ông xuống tận mồ. 2 con trai ông chết vì tai nạn, 2 con gái ông chết vì ung thư ở tuổi 40. Năm 2002, người ta tìm thấy xác của cháu nội ông, Alexandro, chết ở tuổi 21. Cho đến nay, lí do của cái chết vẫn chưa sáng tỏ. |
Trương Anh Ngọc
(Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)
Tags