Nhìn từ Brazil: 'Không mong vô địch, không phải người Brazil'

Thứ Ba, 17/06/2014 18:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một ông bán hàng rong đã nói với tôi như thế khi được hỏi về cơ hội vô địch của đội bóng vàng-xanh. Có những người đã trợn mắt nhìn tôi như thể tôi là người đến từ hành tinh khác khi hỏi câu đó.

Hồi World Cup 2002, HLV Scolari cứ một tháng lại phải thay số điện thoại, bởi không hiểu sao rất nhiều người biết số di động của ông và thường xuyên cho “lời khuyên” để sắp xếp đội hình.

Scolari chấp nhận mọi áp lực

Làm HLV của một quốc gia điên rồ vì bóng đá như Brazil là một nỗi kinh hoàng cho tất cả. 200 triệu người dân cũng là 200 triệu HLV. Ai cũng cho là mình đúng. Không ai biết liệu HLV Felipe Scolari có phải đổi số điện thoại cho giải đấu này không, nhưng nhà cầm quân gốc Italy ấy biết rõ rằng, ở đất nước này, người ta không tha thứ cho những HLV thất bại. Sebastiao Lazaroni, HLV của Brazil ở Italia 90, đã bị coi như một kẻ phản bội tổ quốc sau khi biến Brazil năm ấy thành một trong những đội vàng-xanh đá kém cỏi và bị ghét nhất trong lịch sử. Ngay cả Mario Zagallo huyền thoại cũng bị chỉ trích nặng nề vì Brazil đã thua Pháp đến 0-3 trong trận chung kết France 98, với cơn co giật bí hiểm của Ronaldo.

Người đàn ông bán hàng rong trên bãi biển Copacabana ấy là một dạng HLV “quán nước đặc trưng” của Brazil. Hoặc họ tụ tập bên bờ biển và cãi nhau một cách nảy lửa về bóng đá. Hoặc họ cùng ngồi trong những quán cà phê bình dân để xem một trận đấu trên tivi, hò hét, khóc lóc, chửi rủa cầu thủ hoặc các HLV mà họ cho là ngu dốt, thiển cận và sai lầm. Không biết có khi nào họ chửi Scolari chưa, nhưng ông hiểu rằng, một khi đã ngồi ghế nóng là phải chấp nhận tất cả.

Scolari là người gần nhất đưa Brazil đến một Cúp vàng thế giới, “O Penta”, chiếc Cúp thứ năm. Ông không thể đơn giản nghỉ hưu một khi đất nước không cho ông lựa chọn ấy, khi chiến thắng của Brazil ở giải đấu này không chỉ giải quyết vấn đề về bóng đá trước cả thế giới, mà còn là một trách nhiệm mang ý nghĩa xã hội, khi nó có thể giúp giải tỏa phần nào áp lực căng thẳng ở một đất nước, mà những bức xúc ấy đã trở thành những cuộc biểu tình và đình công trong suốt một năm qua, khi hàng triệu người cho rằng, rất nhiều tiền từ việc xây dựng các công trình cho World Cup lẽ ra đã phải vào phúc lợi xã hội thay vì rơi vào túi của ai đó.

Biểu tượng và hy vọng

Vị thống chế ấy cũng như chàng trai trẻ có tên Neymar đang là biểu tượng, và hy vọng của cả một dân tộc. Một chú bé chừng 10 tuổi tên Jose ở Copacabana bảo tôi rằng, Scolari là bộ não, là niềm tin lớn lao vào chiến thắng, “vì ông biết cách chiến thắng như thế nào”. Một cậu thiếu niên khác thì khẳng định Neymar là thần tượng của giới trẻ vì cách anh đã sống và kiếm tiền, cách anh tạo ra những trào lưu, và những đóng góp cho đội tuyển.

Scolari một lần từng bảo, “Neymar sẽ có vai trò quyết định như Ronaldo”. Một sự so sánh với quá khứ 12 năm về trước, khi Ronaldo tỏa sáng cho “O Penta”. Đội hình hiện tại của Brazil cũng được Scolari xây dựng theo hình mẫu của Brazil 2002, chắc chắn ở mọi tuyến và bản thân ông thừa nhận là giờ có nhiều ngôi sao hơn. Neymar là một siêu sao thực sự của đội tuyển, nhưng Brazil không thiếu những cầu thủ xuất sắc khác, như Oscar, người ghi bàn ấn định thắng lợi trước Croatia, giờ đã được người Brazil coi là một Bebeto mới. Brazil chơi chưa thực sự thuyết phục ở trận khai mạc, nhưng những cơ sở cho việc tiến bộ hơn đã có, từ chính Neymar, Oscar và bản thân Scolari, người không mù để không nhận ra vấn đề.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Brazil không vô địch World Cup? Câu hỏi này luôn ám ảnh tôi và có lẽ cũng là điều Scolari nghĩ đến. Ông nói với nhật báo Gazzetta dello Sport của Italy: “Nếu Brazil không đoạt Cúp, tôi sẽ trốn đến Kuwait và xin tị nạn chính trị”. Một quyết định khôn ngoan, “Felipao”. Chỉ có điều, hàng chục triệu người Brazil nghèo coi bóng đá như là đam mê và là hy vọng cho cuộc sống của họ thì không biết phải trốn đi đâu thôi…    

Anh Ngọc (từ Rio de Janeiro)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›