Góc chiến thuật: Sự trở lại của sơ đồ 2 tiền đạo

Thứ Bảy, 11/06/2016 15:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có một thời, chiến thuật sử dụng 2 tiền đạo bị coi là “tối cổ”. Từ 2008 đến 2012, người ta đã dùng đủ mọi lý luận để chê bai những HLV dùng sơ đồ 2 tiền đạo. Nhưng giờ thì nó đã trở lại một cách mạnh mẽ...

Leicester City giành chức vô địch Premier League với sơ đồ 4-4-2. Cũng với 4-4-2, Manuel Pellegrini giúp Man City thi đấu ổn định 3 năm qua, và lọt vào tới bán kết Champions League mùa vừa rồi. Tại Italy, sau rất nhiều lần cố gắng thay đổi, sau cùng Juventus vẫn dựa dẫm vào 3-5-2 hoặc 4-4-2 kim cương, cũng là một sơ đồ với hai tiền đạo.

4-4-2 cổ điển

Nhắc tới các mẫu sơ đồ với hai tiền đạo, thường thì người ta nghĩ ngay tới 4-4-2 phẳng.

Vào năm 2012, trong một phần trả lời phỏng vấn với FIFA về những sơ đồ chiến thuật bóng đá phổ biến, HLV Arsene Wenger nói về sơ đồ 4-4-2 như sau: “Đó là sơ đồ cân bằng nhất. Chia sân ra thành 3 phần thì trung lộ là 60% diện tích sân, mỗi cánh là 20%. Với 10 cầu thủ trong sơ đồ 4-4-2, bạn sẽ có sáu người ở giữa sân (hai tiền đạo, hai tiền vệ trung tâm, hai trung vệ), tức 60% cầu thủ cho 60% diện tích này. Còn lại hai biên, mỗi biên có hai người (một tiền vệ biên và một hậu vệ biên), như vậy có 20% số cầu thủ cho 20% diện tích sân. 4-4-2 như vậy là một sơ đồ hoàn hảo và cân bằng, giúp bạn kiểm soát tất cả diện tích sân chơi”.

Cách hiểu trên của HLV Wenger cũng đi kèm với những sự phân công vô cùng rõ ràng. Mặt trận tấn công khi xưa thường là công việc của từ 4 tới 5 cầu thủ, trong đó có 2 tiền đạo, 2 tiền vệ biên và thường có thêm 1 tiền vệ trung tâm dâng lên. Ngược lại, mặt trận phòng thủ thường là công tác của 4 hậu vệ, 2 tiền vệ trung tâm và thi thoảng thì có thêm 2 tiền vệ biên.

Đó có lẽ cũng là một góc nhìn phổ quát, được công nhận chung trong những năm từ 1980 đến đầu thập niên 2000. 4-4-2 trong thời kỳ ấy luôn là một trong những sơ đồ phổ biến nhất.

Nhưng trên thực tế là 4-4-2 ngày càng được ít sử dụng hơn trong thập niên 2000. Chính HLV Wenger đến năm 2012 cũng không còn sử dụng sơ đồ 4-4-2 cổ điển ấy nữa. Đơn giản, quan niệm dàn đều cầu thủ ra trên mặt sân đã trở nên lỗi thời.

4-4-2 hiện đại khác biệt như thế nào?

4-4-2 hiện tại không còn vận hành như thế nữa. Hãy lấy Atletico Madrid của Diego Simeone hay Leicester City của Claudio Ranieri làm ví dụ. Lúc này, việc tấn công thường được thực hiện bởi 6-8 cầu thủ, chỉ trừ 2 trung vệ (dù thực ra họ cũng dâng lên để sẵn sàng tham gia luân chuyển bóng, hoặc các tình huống cố định trước khung thành đối phương). Công việc phòng ngự giờ cũng được đòi hỏi ở các tiền đạo, một khối 10 người cùng nhau lùi về là hình ảnh rất bình thường.

Cự ly giữa các cầu thủ giờ cũng đã thay đổi. Trước kia, người ta “chia ô” sân đấu như ông Wenger nói, và cầu thủ trên sân đều biết “ô” hoạt động của mình là ở đâu, lớn cỡ nào. Và cũng chính vì họ thường gắn chặt với “ô” của mình, nên cự ly giữa các cầu thủ thường rất lớn. Ví dụ, việc bốn hậu vệ tách ra đảm nhiệm 4 phần của sân (chia đều theo chiều ngang) dẫn đến cự ly giữa mỗi người có thể lên tới 10-15m!

Cũng với ví dụ ấy và nhìn vào ngày nay, các hậu vệ thường giữ khoảng cách rất chặt chẽ, trung bình chỉ từ 5-7m bên nhau. Nếu đối thủ tấn công ở một cánh, họ sẽ cùng nhau di chuyển tịnh tiến sang, thay vì "đứng chết" trong “ô” của mình.

Cự ly theo chiều dọc cũng bó chặt lại với nhau. Pep Guardiola học theo Arrigo Sacchi, yêu cầu các học trò phải giữ cự ly từ các tiền đạo đến các hậu vệ khi phòng thủ không được quá 25m. Giờ đây các đội đã phòng ngự theo khối, cùng nhau di chuyển theo trái bóng thay vì trải đều ra trên mặt sân.

Cách phòng thủ này rõ ràng là hiệu quả hơn, bởi họ sẽ dễ dàng bọc lót cho nhau. Không ngẫu nhiên mà các cầu thủ rê dắt phức tạp như trường phái Brazil cũ đang giảm đi nhiều. Không gian cho họ trình diễn đã không còn. Các khoảng trống giờ đây bị bóp chặt lại.

Nhưng đi kèm với việc co chặt đội hình vào với nhau và cùng di chuyển, thì khoảng trống có thể sẽ lại lộ ra. Ví dụ nếu khối phòng ngự di chuyển sang cánh phải, thì cánh trái sẽ hổng. Điều này đồng nghĩa rằng các đội càng co chặt thì càng được đòi hỏi phải pressing quyết liệt hơn (để đối thủ không thể rảnh chân lật cánh), cũng phải cần mẫn và tập trung hơn.

Thể chất và tinh thần của họ phải rất, rất tốt. Và hẳn bạn cũng đã nhận ra rằng những đội bóng như Atletico Madrid, Leicester City luôn được đánh giá cao về sự tập trung, máu lửa và dẻo dai.

Không ngẫu nhiên mà đến giờ, lối chơi ấy mới xuất hiện. Những tiến bộ to lớn về khoa học thể thao và sự thay đổi trong luật bóng đá (chủ yếu nằm ở luật việt vị) đã thúc đẩy cho những bước tiến hóa này. Khi Wenger đến Arsenal năm 1996, chuyện cầu thủ đi uống bia sau mỗi buổi tập vẫn được xem là bình thường – quá khó để người ta nghĩ tới những thứ cao xa thời ấy.

Kết luận

4-4-2 sẽ xuất hiện nhiều hơn ở EURO 2016 vì lẽ ấy. Khi người ta nói tới “sự trở lại của sơ đồ 4-4-2”, thực chất nó chỉ là một cái “xác” cũ, còn phần “hồn” đã mới hẳn. 4-4-2 ngày nay là một sự tiến hóa to lớn so với 4-4-2 xưa kia.

Và rồi sẽ còn đó những thay đổi thú vị. 4-4-2 của người Ba Lan có thể trở thành 4-5-1 khi phòng thủ. Thụy Điển có thể dễ dàng xoay chuyển từ 4-4-2 sang 4-3-3. Xứ Wales sử dụng 4-2-3-1 nhưng gần như có thể coi là 4-4-2 thực sự. Áo, Anh, Italy... cũng đều hướng tới sơ đồ 2 tiền đạo theo những cách khác nhau (4-4-2 kim cương, 3-5-2...).

Điểm chung: Chúng đều không phải là thứ sơ đồ cùng tên của 5 hay 10 năm trước nữa.

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›