Góc chuyên gia: Đừng lệ thuộc vào SEA Games!

Thứ Năm, 18/05/2023 08:06 GMT+7

Google News

Đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tiên giành vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ SEA Games ở nước ngoài. Thành tích này đáng biểu dương nhưng đặt ra những vấn đề cần được xem xét lại trong tiến trình phát triển.

1. Trước hết, xin được chúc mừng thành tích số 1 toàn đoàn tại SEA Games 32 mà Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều khó khăn xuất hiện, như sự cắt giảm các môn thế mạnh (bắn súng, bắn cung, đua thuyền..), hạn chế đăng ký thi đấu (chỉ cho phép 70% đăng ký của nhiều môn võ thuật), những quy định chưa từng có trong tiền lệ về điều lệ (không tổ chức các nội dung của nữ môn thể dục, không cho các quốc gia đã giành huy chương dự nội dung đồng đội hỗn hợp môn cầu lông), nhiều môn thể thao còn xa lạ xuất hiện… nhưng vượt qua tất cả, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giữ vững được ngôi vị số 1.

Thành tích này thể hiện sự phát triển ổn định trên đấu trường khu vực. Từ lần đầu tiên trở lại SEA Games năm 1989 với 40 VĐV và chỉ đứng cuối bảng xếp hạng, đến giai đoạn 1997-2001 vươn lên vị trí thứ 5 và từ năm 2003 trở lại đây, luôn đứng trong top 3 với 3 lần dẫn đầu. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Đoàn Thể thao Việt Nam đứng số 1 ở kỳ đại hội mà chúng ta không phải là chủ nhà.

2. Thành tích thi đấu với tỷ lệ trên 52% ở hệ thống môn Olympic (71/136 HCV), trong đó có 19 HCV điền kinh và bơi, cùng với 43 HCV ở 14 môn khác thể hiện ưu thế của các tuyển thủ Việt Nam trong việc giành kết quả thi đấu ở SEA Games, dù mức độ ưu thế lần này có giảm sút và không xuất hiện nhiều thành tích lập kỷ lục hoặc phá kỷ lục.

Góc chuyên gia: Đừng lệ thuộc vào SEA Games! - Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam cần tập trung cao độ cho các môn thể thao ASIAD và Olympic để nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Hoàng Linh

Với khoảng 20% HCV (26 HCV) ở các môn ASIAD (cầu mây, Wushu, cờ Tướng, E-Sport, Jujitsu…) và truyền thống (Pencak Silat, Aerobic) đã xuất hiện nhiều kỳ SEA Games, phát triển có hệ thống ở Đông Nam Á, cũng đã có được những thắng lợi đáng khen, đồng thời, giữ vững được thế mạnh ở các môn võ thuật. Còn lại, với khoảng 28% số lượng huy chương ở các môn thể thao mới, xa lạ, ít xuất hiện cho thấy khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi ở SEA Games.

Qua các cuộc thi đấu, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn để giành HCV, lập nên kỷ lục của nhiều đội tuyển, nhiều VĐV, kể cả nhiều VĐV bị chấn thương vẫn cố gắng giành thành tích cao để lại nhiều hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng và lan tỏa thông điệp tích cực tới cộng đồng.

3. Sau hơn 3 thập kỷ tham dự, cần thẳng thắn nhìn nhận mặt bằng trình độ thể thao khu vực còn thấp so với châu lục và thế giới. Quy chiếu từ thành tích các kỳ ASIAD và Olympic gần đây số lượng các môn có thể tranh huy chương của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Singapore hay Philippines còn hạn chế.

Điều ấy nói lên rằng, thành tích xếp hạng ở một kỳ SEA Games không phản ánh toàn diện và chính xác trình độ thi đấu của một đoàn thể thao. Sự biến động về chương trình thi đấu (cá biệt lên tới 35% số môn) ở một kỳ SEA Games thực tế làm cản trở sự phát triển, chất lượng công tác đào tạo, nâng cao trình độ của nhiều môn thể thao ASIAD và Olympic có sự ổn định theo chu kỳ rất dài về thời gian. Ngay sau SEA Games 32, thể thao Việt Nam đã cảm nhận rõ rệt khó khăn trước mục tiêu giành 5 HCV ASIAD 19 tại Hàng Châu. Câu hỏi đặt ra, ai trong số các nhà vô địch SEA Games 32 sẽ đủ sức lấy "vàng" tại kỳ đại hội châu Á sắp tới?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, thể thao Việt Nam đừng lệ thuộc vào SEA Games, mà cần hướng tới giành thành tích tại ASIAD và Olympic, như thế phù hợp hơn với sự phát triển. 


Nguyễn Hồng Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›