(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam với nòng cốt là Học viện HAGL Arsenal JMG và nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đang là những “nhân vật” được trông đợi nhất của nền thể thao Việt Nam. Nhưng Hồng Ngọc lại chỉ coi đó là “gà nòi” và không phải là điều hứa hẹn gì của thể thao nước nhà.
Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Năm qua đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam đã trở thành một hiện tượng truyền thông của thể thao Việt Nam. Còn Ánh Viên được bầu chọn là Vận động viên tiêu biểu. Họ sẽ là tương lai của thể thao Việt Nam?
Hồng Ngọc: Trong vài năm tới thì là vậy. Họ là những tập thể hoặc cá nhân nổi trội ở độ tuổi còn có thể tiến bộ nhiều. Nhưng để nói về tương lai của một nền thể thao mà chỉ có thế thì chúng ta phải bi quan, thay vì lạc quan.
Anh lại nói giọng bi quan rồi!
Không, tôi chỉ thực tế thôi! Thứ nhất, chúng ta đã có VĐV trong top 10 của một môn khá phổ biến là Tiến Minh. Nhưng nó chẳng làm thay đổi bộ mặt của cầu lông Việt Nam. Vẫn chỉ có Tiến Minh, Tiến Minh, và Tiến Minh. Nếu nhìn sang Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, chúng ta thấy họ có vài VĐV ở đẳng cấp cao, dù Lin Dan hay Lee Chong Wei thì chỉ có một.
Anh quên Phạm Cao Cường à? Tiến Minh ở trong top 10 thế giới, thì Cao Cường cũng đã lên hạng 7 trẻ thế giới?
Có rất nhiều VĐV cầu lông ở vị trí số 1 trẻ thế giới gần một thập kỷ qua, nhưng số 1 trưởng thành thì chỉ có Lin Dan hay Lee Chong Wei thôi. Top 10 cũng tương tự. Nên Cao Cường có tiến tới vị trí của Tiến Minh hay không thì chúng ta còn phải chờ. Dù vậy thì chẳng chúng ta lại phải hỏi tiếp: sau Cao Cường sẽ là ai. Chưa có câu trả lời!
Sự bế tắc đó theo anh là do đâu?
Do nền thể thao đào tạo kiểu gà nòi và sùng bái tập huấn nước ngoài.
Anh nói lạ! Không nuôi gà nòi thì làm sao tập trung nguồn lực tốt nhất để đào tạo những tài năng trẻ từ sớm nhất có thể? Không tập huấn nước ngoài thì làm sao có thể học hỏi các nền thể thao trình độ cao hơn giúp các VĐV tiến bộ nhanh?Như Ánh Viên chẳng hạn, nếu không tập huấn ở Mỹ thì làm sao cô gái này có thành tích thi đấu như bây giờ?
Chúng ta phải đặt lại vấn đề. Nếu tập trung nguồn lực cho một số ít, thì nghĩa là số còn lại bị cắt xén nguồn lực. Nó để lại rất nhiều hậu quả. Thứ nhất, là sự phân cách giữa thể thao gà nòi và thể thao phong trào, học đường, rồi đám gà nòi kia thiếu cạnh tranh và mất động lực tiến bộ. Thứ hai, do thể thao phong trào và học đường bị cắt giảm nguồn lực, khiến ít trẻ em được tiếp cận thể thao một cách bài bản, và họ bị tước mất cơ hội khám phá và phát triển tài năng tiềm ẩn của mình.
Chính vì thiếu môi trường cạnh tranh, các VĐV trẻ khi đã trang bị tương đối đủ kỹ năng cơ bản phải ra nước ngoài tập huấn để có được môi trường cạnh tranh hòng tiếp tục tiến bộ. Như tôi đã từng nói về “lý thuyết 10.000 giờ” trong thể thao, một đứa trẻ cần có 10 năm tập luyện liên tục và bài bản với một môn thể thao mới có thể vươn lên đỉnh cao, chứ đâu phải tập huấn 1 tháng hay 2 năm mà thành tài được! Nhưng chi phí cho Ánh Viên 2 năm tập huấn bên Mỹ có thể đủ cho một trung tâm bơi lội vận hành trong 10 năm để cho ra lò vài vận động viên chất lượng.
Học hỏi các nền thể thao phát triển hơn không phải là điều tốt hay sao?
Rất tốt, nếu đó là quá trình học hỏi thật sự và có hiệu quả. Nhưng học hỏi thật sự không phải là chỉ để cho một VĐV duy nhất của chúng ta học và tập luyện dưới sự hướng dẫn của họ, và khi rời khỏi sự hướng dẫn đó, chúng ta lại trở về cái máng lợn cũ.
Học hỏi với một nền thể thao phải là việc nhận chuyển giao phương pháp và quy trình để đào tạo ra những vận động viên giỏi, và cả cách thức tổ chức một nền thể thao để nó tự tạo nên những VĐV giỏi. Chúng ta hãy hỏi bộ môn bơi lội xem sau khi đưa Ánh Viên đi tập huấn về, đã có tổng kết bài học, rút ra phương pháp, quy trình mới để áp dụng đội tuyển bơi lội Việt Nam và các trung tâm bơi lội lớn chưa? Và hơn nữa là thay đổi chương trình đào tạo, tuyển chọn bơi lội từ tuyến năng khiếu và học đường chưa?
Tôi dám chắc là chưa. Nghĩa là chúng ta không tạo ra môi trường và cách thức tất yếu để tạo ra những Ánh Viên kế tiếp, mà ngồi chờ có thêm một Ánh Viên nào đó xuất hiện rồi lại cho đi tập huấn nước ngoài!
Việc chuyển giao công nghệ đào tạo là điều mà Học viện HAGL Arsenal JMG đã thực hiện, phải chăng là mô hình anh định nói là mẫu mực?
Đúng là HAGL đã nhận chuyển giao cả một công nghệ đào tạo cùng với việc xây dựng một Học viện. Nhưng theo tôi đó vẫn chỉ là kiểu nuôi gà nòi tập thể, vì bóng đá là một môn thể thao tập thể, chứ anh không thể chỉ tập trung nguồn lực cho một cầu thủ như trong môn thể thao cá nhân như bơi lội.
Học viện HAGL Arsenal JMG hầu như là tuyển một lần là xong, rất ít sự cạnh tranh để sàng lọc trong 7 năm đào tạo. Nó cũng hoàn toàn không có một sự chuẩn bị chủ động nào trước quy trình 7 năm đó, ngoài việc đi tuyển chọn khắp đất nước. Nhưng ở tuổi 11-13 mà họ tuyển chọn đầu vào là lúc các vận động viên đã bộc lộ năng khiếu, chứ không còn là tuổi có thể phát triển năng khiếu được nữa. Chả có tài năng bóng đá lớn nào mà đến 11 tuổi mới được đào tạo bóng đá cả. Các lý thuyết đào tạo mới đều khuyên nên bắt đầu đào tạo từ 5 hay muộn nhất là 7 tuổi. Nhưng HAGL Arsenal JMG không làm gì trong giai đoạn đó cả, mà chỉ lo hớt ngọn từ tuổi 11 trở đi.
Đội bóng đá HAGL thì còn thiếu chân đế hơn nữa, vì nó vẫn xa cách với sinh hoạt cộng đồng ở Gia Lai. Chỉ khi đá giải, đội bóng mới tồn tại, cũng chỉ ở trên sân. Đó không phải là cách để tạo ra tình yêu với đội bóng, và sự đam mê với môn bóng đá ở Gia Lai.
Để có chân đế vững vàng cho cả nền thể thao nói chung, anh cho rằng nền thể thao này phải làm gì?
Đáng tiếc đó lại không phải là vấn đề mà nền thể thao này có thể quyết định, vì nó là chiến lược quốc gia. Thay vì đặt giáo dục thể chất ở dưới cùng trong giáo dục đức, trí, thể, mỹ, nó cần được đặt lên hàng thứ nhất hay thứ hai trong hệ thống giáo dục cũng như sinh hoạt cộng đồng. Không phải để phục vụ cho việc chúng ta có nhiều vận động viên giỏi, mà trước tiên là để phục vụ cho sức khỏe toàn dân, và VĐV giỏi sẽ “tự nhiên” mà sinh ra từ đó.
Các lĩnh vực liên quan đến chiến lược này là giáo dục và đào tạo và quy hoạch đô thị. Nếu chương trình học buộc học sinh cứ hai buổi ngồi trên lớp, thậm chí buổi tối cũng đi học thêm, thì không có cơ hội nào cho thể thao học đường cả. Và nếu các trường học ở các đô thị lớn như Hà Nội chỉ gồm có lớp học mà không có sân chơi thể thao thì cũng không có cơ hội nào cho thể thao học đường cả!
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là các lãnh đạo ngành thể thao cứ ngồi chờ chính sách. Hãy vận động hết sức có thể, không phải vì có thêm dự án để chia chác mà vì sức khỏe toàn dân và của nền thể thao, chính sách là có thể thay đổi được.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags