Góc khác của "Hà Nội mười hai mùa hoa"

Thứ Ba, 05/11/2024 18:15 GMT+7

Google News

Đang "loay hoay" với rất nhiều sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ vừa mới ra mắt, chưa biết chọn gì để viết cho chuyên mục này thì tôi bắt gặp một bài hát quen nhưng lại gây ấn tượng đặc biệt với mình. Ca khúc là một phần trình diễn nằm trong khuôn khổ Chương trình Hòa nhạc Thắp sáng niềm tin tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) hồi đầu tháng 10 vừa qua.

Tôi muốn nhắc tới Hà Nội mười hai mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son qua phần thể hiện của ca sĩ Phạm Thu Hà và dàn nhạc giao hưởng.

Lạ với bài quen

Cho tới thời điểm này Hà Nội mười hai mùa hoa đương nhiên đã là một trong những ca khúc hay viết về thành phố hơn nghìn năm tuổi. Nó đã thành bài hát mang tính biểu tượng, được khán giả yêu thích và thường vang lên ở khắp mọi nơi.

Nhưng phần trình diễn của Phạm Thu Hà mang đến cảm giác lạ và thú vị. Thường thì phần âm nhạc của ca khúc vẫn được thể hiện bằng một bản phối nhạc nhẹ hay một ban nhạc nhạc điện tử, ban nhạc acoustic, thậm chí được đệm bằng một cây piano hoặc cây guitar... như đã rất phổ biến trước đây. Nhưng ở đây, ca khúc này được thể hiện bởi… dàn nhạc giao hưởng. Khi một ca khúc mà được sự hỗ trợ và diễn đạt bằng cả một dàn nhạc giao hưởng thì cảm giác đầu tiên là vị thế nghệ thuật của nó đã được nâng lên.

Góc khác của "Hà Nội mười hai mùa hoa" - Ảnh 1.

Phạm Thu Hà hát ra chất thính phòng rất sang trọng, rất tinh tế nhưng vẫn có nội lực và vẫn có màu của nhạc nhẹ

Hà Nội mười hai mùa hoa có nhiều phiên bản khác nhau song song tồn tại, nổi bật có thể kể tới bản do nữ ca sĩ Thu Phương thể hiện, hay bản của nữ ca sĩ Dương Hoàng Yến, chưa kể còn có một phiên bản nam của ca sĩ Phan Trung Kiên…

Phan Trung Kiên là một nam ca sĩ sở hữu giọng trung trầm khá ấn tượng, từng đoạt giải thưởng thanh nhạc quốc tế tại một nước ở châu Á. Thời điểm cho ra mắt MV ca khúc này, anh là một giọng hát thính phòng và vì thế phần thể hiện mang âm hưởng bán cổ điển.

Phiên bản do Dương Hoàng Yến thể hiện thì tạo cảm giác trẻ trung trong khi Thu Phương cháy bỏng và đằm thắm. Có khán giả còn sử dụng phép so sánh cách thể hiện của Yến "như lời tự sự của một thiếu nữ trẻ rong ruổi về những kỷ niệm đẹp ngày nào với những cảm xúc xao xuyến"; thì với Thu Phương "già dặn, từng trải muốn níu giữ, quay về với cảm xúc bùng cháy trước kia khi còn trẻ".

Ở phần hòa âm, chỉ có phiên bản của Phan Trung Kiên được thực hiện theo cách khác còn thì của Dương Hoàng Yến được thực hiện giống với bản công bố đầu tiên của ca khúc này gắn với tên tuổi của ca sĩ Thu Phương.

Phần trình diễn của dàn nhạc giao hưởng trong phiên bản Hà Nội mười hai mùa hoa do ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện về cơ bản giống như của Thu Phương và người đảm nhiệm phần chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Trên thực tế Hà Nội mười hai mùa hoa mang tính chất trữ tình, tự sự, có tuyến giai điệu ổn định tựa như những đợt sóng lúc dâng lên, lúc lại dịu xuống nhưng về tổng thể chung là theo xu hướng đẩy dần lên để hướng đến cao trào. Nó gần giống như khuôn khổ của một bản romance hay còn được gọi là ca khúc nghệ thuật trong sáng tác dành cho thanh nhạc.

Như thế có nghĩa là bản thân ca khúc Hà Nội mười hai mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son đã ẩn chứa tính khí nhạc. Nhạc sĩ hòa âm đầu tiên ca khúc này (bản do Thu Phương thể hiện) cũng đã cảm nhận được điều đó và khai thác nó triệt để vào trong phần hòa âm của mình với việc lấy tiếng piano và âm hưởng của dàn dây làm chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Và đó cũng là một yếu tố quan trọng, bên cạnh giọng hát, giúp chinh phục khán giả ngay từ lần nghe đầu tiên và ở lại thật lâu trong tâm trí họ.

Nhưng cái đặc biệt trong bản chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là khai thác triệt để phần hòa âm với những âm sắc và cách thể hiện từ bản nhạc nhẹ để chuyển sang cho dàn nhạc giao hưởng thể hiện. Ở đó, vẫn là tiếng piano làm chủ đạo, đàn dây song hành và có vị thế quan trọng. Đan xen là nhạc khí của bộ hơi và bộ gõ (trong đó có sử dụng nhạc khí gõ có định âm)… Điều này tạo cho Hà Nội mười hai mùa hoa có một phiên bản lạ lẫm trong nét quen.

MV "Hà Nội mười hai mùa hoa"

Dẫu thế, đó chỉ là bề ngoài, là hình thức; cái hay nhất trong chuyển soạn Hà Nội mười hai mùa hoa cho dàn nhạc giao hưởng là nghệ thuật khai thác và sử dụng màu sắc cũng như âm lượng (lớn nhỏ) các nhạc cụ có chủ ý. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng vẫn làm nổi bật nét tinh tế, tính trữ tình trong ca khúc cũng như tôn vinh vẻ đẹp của dàn nhạc giao hưởng để rồi khi trình diễn, cả 2 quyện vào nhau, giúp nghệ sĩ thăng hoa trong nghệ thuật, kéo khán giả hòa mình vào không gian ấy. Cũng vì thế, mặc dù thực hiện phần phối khí cho dàn nhạc giao hưởng thể hiện trực tiếp trên sân khấu nhưng sự tiết chế âm lượng là một chủ ý của tác giả, nhằm phù hợp với tác phẩm. Người nghe cảm nhận được Hà Nội mười hai mùa hoa không hề ồn ào, không hoành tráng nhưng vẫn rất đậm và tinh tế tới từng chi tiết nhỏ.

Kết hợp với phần biểu diễn của Phạm Thu Hà theo khuynh hướng thính phòng pha nhạc nhẹ, màn trình diễn trực tiếp trên sân khấu đã mang lại cho Hà Nội mười hai mùa hoa một góc khác, rất mới nhưng cũng không quá xa lạ đối với người nghe.

"Bản thân ca khúc Hà Nội mười hai mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son đã ẩn chứa tính khí nhạc. Nhạc sĩ hòa âm đầu tiên ca khúc này (bản do Thu Phương thể hiện) cũng đã cảm nhận được điều đó và khai thác nó triệt để vào trong phần hòa âm của mình với việc lấy tiếng piano và âm hưởng của dàn dây làm chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm" - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.

Hỏi nhanh đáp gọn

Nửa đêm gà gáy, trong lúc hứng khởi khi nghe được Hà Nội mười hai mùa hoa phiên bản dàn nhạc giao hưởng của Phạm Thu Hà chưa dứt, tôi liền nhắn tin hỏi nhạc sĩ Giáng Son, may quá, còn thức. Tôi bèn gọi điện: "Này, bài Hà Nội mười hai mùa hoa Phạm Thu Hà hát, đã nghe chưa?" - "Rồi chứ". "Thấy thế nào?" - "Ối giời, quá hay!".

Nhạc sĩ Giáng Son nhận xét: "Bản phối của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng mang đầy tính thính phòng, màu sắc giao hưởng rất rõ nét làm cho ca khúc được nâng lên rất sang trọng". "Cụ thể hơn nữa đi"? - tôi hỏi. Giáng Son trả lời:"Những chi tiết rất tinh tế của dàn dây và kèn đã tạo ra một bản phối rất đậm hơi hướng thính phòng - giao hưởng, màu sắc của các nhạc cụ rất "ăn săm" với giai điệu. Có thể nói, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng quá tài năng". 

Góc khác của "Hà Nội mười hai mùa hoa" - Ảnh 4.

Giáng Son là một người con sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội - cô yêu Hà Nội từ những điều giản dị nhưng tinh tế và gửi gắm tình yêu ấy vào trong "Hà Nội mười hai mùa hoa"

"Phạm Thu Hà hát ra chất thính phòng rất sang trọng, rất tinh tế nhưng vẫn có nội lực và vẫn có màu của nhạc nhẹ, sự pha trộn đó, một chút thôi nhưng người ta cảm thấy rất dễ chịu" - Giáng Son kết luận - "Có thể nói đó là một bản phối rất ngất ngây và người ca sĩ có thể nói là tinh tế, hài hòa, làm cho Hà Nội mười hai mùa hoa mang màu sắc thính phòng giao hưởng được cất lên một cách sang trọng và nồng nàn quyến rũ".

Thực tế đã chứng minh, tình yêu là muôn thuở, chẳng thời nào, chẳng ai dám mạnh mẽ tuyên bố rằng không có tình yêu. Chỉ là cách thể hiện tình yêu ấy như thế nào. Trong khi, tình yêu không chỉ đơn thuần là một mối quan hệ đặc biệt giữa nam với nữ, giữa 2 con người với nhau mà còn lớn hơn thế, là tình yêu với cảnh sắc thiên nhiên, với con người, với những dấu ấn đã in đậm trong trái tim mình. Vì thế tình yêu không bao giờ cũ.

Qua góc nhìn của người nghệ sĩ tài năng, một tác phẩm nghệ thuật được khai sinh từ trong tình yêu ấy đương nhiên nó sẽ không bao giờ cũ nhưng việc bồi đắp những yếu tố mới cho tác phẩm đã hiện hữu nhiều năm là điều cần thiết. Giống như trường hợp Hà Nội mười hai mùa hoa, cách đây đúng tròn một con giáp (12 năm) bản thân người viết cũng đã cùng nữ tác giả hồi hộp mong chờ thời điểm ra mắt và cùng vỡ òa khi phần thể hiện của Thu Phương cùng bản hòa âm quá xuất sắc. Nhưng người viết cũng thích nghe những phiên bản khác của Dương Hoàng Yến, Phan Trung Kiên, Hà Anh Tuấn, của tam ca Bằng Kiều - Thu Phương - Lệ Quyên… 

Và đặc biệt, với cách thể hiện khác hẳn so với những gì khán giả đã được biết trước đó, Hà Nội mười hai mùa hoa do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng thực hiện phần phối khí, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình diễn với phần solist của ca sĩ Phạm Thu Hà đã tạo nên nét mới, giúp người nghe chạm được vào những góc khác của một tác phẩm quen và hay viết về tình yêu Hà Nội.

"Hà Nội mười hai mùa hoa"

Sáng tác: Nhạc sĩ Giáng Son

Chuyển soạn: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Thể hiện: Ca sĩ Phạm Thu Hà

Chỉ huy dàn nhạc: NSƯT Kim Xuân Hiếu

Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO)

Điểm: 9,0

Nguyễn Quang Long

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›