(Thethaovanhoa.vn) - Khi được hỏi về những ký ức tuổi thơ, “nàng thơ” một thời của cố nhạc sỹ họ Trịnh chia sẻ rằng, bà rất nhớ những con đường Hà Nội, đặc biệt là tiếng tàu điện “leng keng” – những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức của bà.
- Góc khuất Mỹ Linh: Phải 'đánh du kích' vợ đầu của Anh Quân để có Anna bên cạnh
- GÓC KHUẤT: Bác sỹ Trần Vũ Quang - Khi 'hotboy' làm nghề 'đỡ đẻ'!
- GÓC KHUẤT: Người mẫu Saleem Hammad và những chia sẻ khách quan về Tết Việt
Có lẽ không chỉ riêng danh ca Khánh Ly, nhiều, rất nhiều những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội những năm 80 trở về trước của thế kỷ 20, đều coi tiếng tàu điện leng keng là một trong những ký ức tuổi thơ đẹp nhất của mình.
Đó là những buổi trưa hè oi ả, râm ran tiếng ve, quần đùi áo phông chạy theo tàu điện, mặc dù mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn không thể nào từ bỏ thói quen ấy, như danh ca Khánh Ly chia sẻ, đôi khi chả để làm gì, nhưng vẫn cứ thích chạy đuổi theo tàu điện mỗi khi lên Bờ Hồ. Đúng là chỉ có tuổi thơ mới có những trò chơi thú vị như thế.
Là khách mời của Góc khuất lần này, danh ca Khánh Ly đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về cha – người đã truyền cảm hứng âm nhạc cho bà từ khi bắt đầu bi bô biết nói. Những tháng ngày sơ tán, ông ôm đàn măng – đô – lin, để con gái vào lòng, và cứ thế đàn hát, thậm chí ngay cả lúc đi đường ngồi giải lao, ông cũng có thể hát để động viên mọi người và “lên dây cót” cho chính mình.
Hơn 70 năm cuộc đời, đến bây giờ, bỏ lại đằng sau những nỗi buồn, những câu chuyện với người đàn ông tài hoa họ Trịnh, bỏ lại cả những nỗi đau, những sân si của cuộc đời, danh ca Khánh Ly sống an yên, coi từ thiện là một sự “cứu rỗi” nỗi buồn, để bà tiếp tục có cảm hứng sống, cảm hứng hát mạnh mẽ hơn, dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, bên kia dốc cuộc đời.
Bà kể, mỗi lần trở về Hà Nội, bà đều muốn quay lại căn nhà cũ, dù biết chắc chắn rằng ra mở cửa, không phải là bất kỳ người thân nào, nhưng bà vẫn muốn đến, vì nó như một sự “trở về” nơi mà mình đã sinh ra và có cả một đoạn tuổi thơ với biết bao kỷ niệm ở đó. Bà cũng mong muốn được đi hết những con đường Hà Nội, thích được nhìn những người phụ nữ đạp xe chở cả một “rừng hoa” phía sau, như một điểm nhấn đầy thơ mộng cho Hà Nội.
Sống trên dưới 40 năm ở Mỹ, nhưng bà vẫn giữ được rất nhiều nét thanh tao cũng như tính cách của người Tràng An. Vì thế, khi trở về Hà Nội, bà luôn muốn tìm những sự tinh tế, thanh tao đó. Bà cho rằng, nếu như chúng ta làm mất đi những điều đẹp đẽ, thì dù có sống văn minh thế nào cũng không thể lấp đầy những khoảng trống ấy, cho dù cuộc sống có văn minh đến đâu.
Danh ca Khánh Ly cũng chia sẻ về chuyện học để làm nghề. Bà cho rằng, văn hoá – thể thao đều cần phải học, có học vẫn hơn vì ta không thể tuyệt đối dựa vào cái bản năng của mình được, vì nó sẽ có nhiều thiếu sót sẽ dẫn đến những sai lầm. Đấy là lý do dù bà không được học hành bài bản về thanh nhạc, nhưng bà vẫn giỏi nghề bởi sự chăm chỉ đọc sách và học hỏi từ những thế hệ đi trước.
Nói chuyện về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, danh ca Khánh Ly luôn dành cho vị nhạc sỹ này sự trân trọng, biết ơn và luôn có một niềm tin mãnh liệt từ ông, dù nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã lìa xa cõi tạm gần 20 năm. Bà thú nhận, đôi khi bà coi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như một người cha, chứ không phải là “người tình” mà nhiều người đồn thổi. Còn với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ông luôn coi Khánh Ly như một cô em gái, nên khi bà chuẩn bị lấy chồng, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã căn dặn rất kỹ càng, và luôn mong cho em gái mình sống hạnh phúc, an yên.
Thể thao & Văn hoá xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả phần 1 của cuộc trò chuyện của nhà báo Ngô Bá Lục với danh ca Khánh Ly:
Ngô Bá Lục
Tags