(Thethaovanhoa.vn) - “Tết thì bao giờ cũng vui, vậy chúng ta ăn làm sao cho đủ dinh dưỡng, không ăn quá đà. Rồi chúng ta chúc tụng nhau, nhưng phải là một người thông minh, biết đâu là điểm dừng để những ngày Tết trọn vẹn” – Nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết đã có những lời khuyên độc giả như vậy.
- GÓC KHUẤT: Xuân Bắc và 4 lần 'trốn' vai Nam Tào bất thành
- GÓC KHUẤT với nhà báo Lại Văn Sâm: Lại Bắc Hải Đăng từng bị áp lực vì bố là... sếp
- GÓC KHUẤT với Dương Cầm: 'Bố vợ tôi khuyên nên dừng cuộc chơi Sao Đại chiến'
Là thế hệ thứ 7 của một dòng họ gốc Hà Nội, nghệ nhân tri thức dân gian ưu tú Ánh Tuyết đã may mắn được thừa hưởng sự khéo léo trong việc nấu ăn của bà, của mẹ. Mấy chục năm qua, ngôi nhà bé nhỏ, cổ kính của bà trở thành nơi đón tiếp những đoàn khách trong và ngoài nước đến thưởng thức những món ăn truyền thống mang đậm tinh hoa của mảnh đất kinh kỳ.
Vừa vinh dự được giao trọng trách phụ vụ bữa tiệc “quốc yến” cho 21 nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị APEC tại Việt Nam trở về, bà Ánh Tuyết lại tất bật cho cái Tết cổ truyền của dân tộc. Với bà, ẩm thực như là cái “duyên” nó đến một cách tự nhiên và mang lại cho bà danh tiếng và thành công như ngày hôm nay. Với tâm huyết của một người “mê mẩn” với nền ẩm thực truyền thống, bà Ánh Tuyết đã có nhiều chia sẻ trong chuyên mục Góc khuất, về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá ẩm thực cổ truyền – một trong những yếu tố làm nên bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
Với bà, mặc dù cuộc sống hiện đại, đời sống nhân dân được nâng cao và mọi người có nhiều lựa chọn món ăn, đặc biệt là các loại ẩm thực của nước ngoài hội nhập vào Việt Nam từ Âu, Mỹ đến các nước châu Á. Bà Ánh Tuyết cho rằng, đó là lẽ tất yếu trong sự phát triển của xã hội, “bạn có thể ăn đồ Tây, đồ Mỹ,… nhưng phải giữ gìn và phát huy ẩm thực truyền thống, vì nó là hồn cốt của dân tộc, là thứ tinh tuý mà cha ông ta đã khai phá, xây dựng và truyền lại cho đời sau. Đó mới chính là những điều làm nên bản sắc văn hoá của người Việt” – Nghệ nhân Ánh Tuyết khẳng định.
Với ẩm thực Tết, bà Ánh Tuyết khuyên mọi người nên “thông minh, thông thái” trong việc ăn uống. Làm sao mà “vui nhưng không quá đà” để giữ được cái Tết trọn vẹn, không để xảy ra những điều đáng tiếc.
Nghệ nhân Ánh Tuyết còn hào hứng nói về “mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội xưa” một cách chi tiết, tỉ mỉ. Với bà, người Hà Nội “cực kỳ khó tính” trong việc sắp mâm cỗ Tết, đó chính là sự cầu kỳ, tỉ mỉ, chi tiết và vô cùng tinh tế của mâm cỗ, lại được cân bằng “nóng – lạnh” trong một bữa ăn để tốt nhất cho sức khoẻ. Và để đạt được điều đó, những người phụ nữ Hà Nội xưa phải học nấu nướng từ tấm bé, và một trong những yếu tố để “đắt chồng” chính là sự khéo léo bếp núc của các cô gái Hà Nội xưa.
Bà cũng cho rằng, bây giờ thời thế đã khác, cho dù không còn cầu kỳ như xưa, nhưng mâm cỗ Tết của người Hà Nội vẫn có những sự khác biệt nhất định ngoài những món ăn truyền thống mà nơi nào cũng có như “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành”. Sự khác biệt ấy được làm nên bởi tính cách và văn hoá sống của người Hà Nội “ngàn năm văn hiến”, nơi hội tụ của tinh hoa mọi miền đất nước. Người Hà Nội ngày nay ăn Tết cũng đơn giản hơn, nhưng cốt cách và những “lề lối” truyền thống trong ẩm thực dân gian, đặc biệt là mâm cỗ Tết vẫn được rất nhiều gia đình coi trọng.
Chia sẻ về bí quyết thành công trong nghề ẩm thực, nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn phải là cái Tâm. Các nghề khác đã cần cái Tâm rồi, nhưng ẩm thực thì lại càng cần, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ. Nếu như không có Tâm, chỉ đặt mục đích kiếm tiền lên hàng đầu, người ta sẽ sẵn sàng mua đồ ôi thiu về chế biến lại, mua những thứ không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng. Bên cạnh cái Tâm, nghệ nhân Ánh Tuyết còn cho rằng, cần phải có sự khéo léo, đam mê, ham học hỏi thì mới có thể trở thành những đầu bếp giỏi hoặc những chuyên gia ẩm thực nổi tiếng.
Video toàn bộ cuộc trò chuyện của Host Ngô Bá Lục và nghệ nhân Ánh Tuyết trong chuyên mục "Góc khuất":
Ngô Bá Lục
Tags