Góc Marcotti: 'Hiệu ứng Klopp' và nỗi đau của Valdes

Thứ Tư, 14/10/2015 14:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo lừng danh Gabriele Marcotti đã điểm lại thông tin bóng đá tuần qua bằng bài viết rất sắc sảo trên trang tin ESPN.

Thể thao & Văn hóa gửi đến độc giả bài viết này:

Hiệu ứng Klopp ở Liverpool

Juergen Klopp không chỉ nói toàn những điều đúng đắn ở cuộc họp báo đầu tiên của ông với tư cách HLV Liverpool, ông còn nói những điều đó một cách thuyết phục và đầy cảm xúc.

Klopp đã ứng khẩu rất tài tình, trong khi người tiền nhiệm của ông, Brendan Rodgers, thường có vẻ chuẩn bị trước những phát biểu của ông. Nhận xét như thế có vẻ như đạp người đã ngã ngựa, nhưng nhất là vào giai đoạn cuối dẫn dắt Liverpool, khi phát biểu với công chúng, Rodgers như một người vô hồn không còn chút sinh lực.

Trong một thế giới chuyên nghiệp tuyệt đối, cách HLV trao đổi với báo chí, và qua đó là với các CĐV, không quan trọng. Những gì họ nói trên sân tập và sân thi đấu lẽ ra mới là điều quyết định. Nhưng chúng ta không sống trong một thế giới như thế, và riêng sự hiện diện của Klopp đã gây ra sự phấn khích và háo hức mà Rodgers không thể sánh được. Hiệu ứng tuần trăng mật và hiệu ứng “Kloppo” đó sẽ kéo dài được bao lâu là điều không thể dự đoán, nhưng nếu bạn là một CĐV Liverpool, thì ít ra cho tới giờ mọi chuyện đang rất ổn.

Klopp còn khôn ngoan né tránh câu hỏi chắc chắn được nêu ra: Liệu ông, hay “ủy ban chuyển nhượng” của Liverpool sẽ quyết định việc mua sắm cầu thủ? Ủy ban đó ở Anfield trước Klopp bao gồm 6 thành viên: Rodgers, tuyển trạch viên trưởng (Barry Hunter), Trưởng bộ phận chiêu mộ cầu thủ (Dave Fallows), Chủ tịch Tập đoàn Fenway Sports (Mike Gordon), Giám đốc điều hành CLB (Ian Ayre) và Giám đốc kỹ thuật (Michael Edwards).

Ý tưởng là các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên nguyên tắc phối hợp đồng thuận mà mỗi thành viên là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nhưng dù trên lý thuyết ý tưởng đó hợp lý tới đâu, trên thực tế không nhiều đội bóng triển khai cách làm đó. Trong thời Rodgers, phương pháp tiếp cận như thế đã thất bại. Không có gì lạ khi Klopp được hỏi về việc liệu điều đó có lặp lại trong tương lai hay không.

“Tôi sẽ là người đầu tiên và cuối cùng có tiếng nói trong các vấn đề chuyển nhượng” là câu trả lời của HLV người Đức, đủ thuyết phục, nhưng cũng không gây ra sự phật lòng nào ở ban lãnh đạo. Klopp cũng đã quen với việc này, những tuyển trạch viên tỉ mỉ, một giám đốc bóng đá và một ông chủ lớn trên lầu kiểm soát ngân sách, tất cả đều giống như thế ở Borussia Dortmund.

Victor Valdes đã cùng đường ở Man United

Nếu bạn tin câu chuyện của Victor Valdes về những gì đang xảy ra với anh ở Man United, cầu thủ này không chỉ không có cơ hội ra sân, mà còn bị làm nhục mỗi ngày, không có tủ trong phòng thay đồ và phải tự tập một mình, khi đội bóng tìm mọi cách để khiến anh cảm thấy bị cô lập và ghẻ lạnh.

Cũng theo quan điểm này, CLB áo đỏ đã trả một khoản tiền lớn để đưa về một cầu thủ chẳng đóng góp gì cho đội bóng và một người HLV của họ không cần. Cuộc tranh luận đúng sai sẽ khó có hồi kết, nhưng có thể tin rằng Man United không làm gì sai luật và chính Valdes cũng đã nói lúc này lúc khác, với một trong những tuyên bố có lẽ là thành thật của anh là thủ thành này vẫn yêu Man United, nhưng anh chỉ gặp vấn đề với… HLV Louis van Gaal.

Có thể cả hai phía đã phạm sai lầm. Valdes đã bắt chính ở Barcelona suốt 11 năm, giành mọi danh hiệu có thể và mới 33 tuổi, tuổi đẹp với một thủ môn. Trong khi đó, Van Gaal, đã thuyết phục Valdes về Man United, lại xua đuổi anh sau khi xem cầu thủ này tập với CLB mới được 10 tuần. Một thất bại cho tất cả.

3 Juergen Klopp kí hợp đồng 3 năm với Liverpool. Ông nhận lương 7 triệu bảng/năm và là HLV được trả lương cao thứ 4 tại Premier League (sau Jose Mourinho, Arsene Wenger và Louis van Gaal).

2 Trước khi dẫn dắt Liverpool, Klopp dẫn dắt Dortmund và 2 lần được bầu là HLV xuất sắc nhất năm, vào năm 2011 và 2012.

2 Valdes mới ra sân 2 trận cho Man United. Anh kí hợp đồng thời hạn 18 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2015.

Messi không phải cá biệt, trốn thuế là chuyện bình thường

Về sự việc Lionel Messi đối diện án tù vì bị cáo buộc trốn thuế, nhà báo Marcotti cho rằng: “Ngôi sao của Barcelona bị cáo buộc đã gian lận nhà chức trách TBN 4,69 triệu euro tiền thuế giai đoạn 2007-2009 thông qua các công ty ma ở Belize và Uruguay trong các hợp đồng bản quyền hình ảnh của anh.

Nhưng có hai điều khá rõ ràng. Thứ nhất là những người giàu luôn có hàng tá các “chuyên gia” đưa ra lời khuyên về những lỗ hổng pháp luật mà họ có thể lách qua để tối thiểu hóa gánh nặng thuế. Một số thủ thuật này có thể hợp pháp, một số khác bất hợp pháp và khó hơn cả là những kỹ xảo ở “vùng xám” gây nhiều tranh cãi giữa thuế vụ và các luật sư”.


Trần Trọng (theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›