Chúng ta đang nhích dần tới ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Khá thú vị, đây cũng là thời điểm thế giới đang rộn ràng nhắc tới dịp kỷ niệm 80 năm ra đời Hoàng tử bé - kể từ khi bản in đầu tiên của cuốn sách được phát hành vào tháng 4/1943 tại Mỹ.
Suốt 8 thập niên ấy, vượt khỏi thân phận của một cuốn sách đơn thuần, tác phẩm kinh điển của Saint-Exupéry vẫn thịnh hành đến tận bây giờ và khiến hàng triệu độc giả say mê, trong khi nhân vật Hoàng tử bé đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng.
Điều gì làm nên sức hút đặc biệt ấy?
Câu trả lời nằm ở thế giới mà tác giả người Pháp này đã mở ra cho độc giả. Hoàng tử bé vẫn được mặc định là một cuốn sách viết cho thiếu nhi - khi nó mang dáng dấp truyện ngụ ngôn, với những vật vô tri có khả năng nói và suy nghĩ. Nhưng thực tế, đó cũng là một cuốn sách cho người lớn, với những triết lý rất sâu sắc về cuôc đời.
Ý nghĩa của cuộc sống, của cái chết. Tình yêu và tình bạn. Giá trị của sự vận động, của lòng tin, của thời gian. Tất cả những chủ đề tưởng như rất phức tạp ấy lại được diễn giải qua góc nhìn của một chú bé, với sự trong sáng hồn nhiên tới mức thoát khỏi mọi trói buộc của logic thông thường. Và càng đọc, người ta càng nhận ra khoảng cách vô cùng lớn giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành, giữa người lớn và trẻ em, trong gần 100 trang sách.
"Người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con vì lúc nào cũng phải giải thích", Saint-Exupéry viết như vậy. Còn độc giả thì gật gù nhận ra: Khi còn nhỏ, quả thực chúng ta nhìn mọi thứ qua những lăng kính trong trẻo tinh khiết, và hầu như không bao giờ phải đắn đo giữa những lựa chọn được, mất từ cảm xúc của mình. Để rồi, ở một thời điểm nào đó, khi trưởng thành, mỗi người lại bùi ngùi nhớ về "phiên bản" xưa với sự hồn nhiên đã mất đi.
Chắc chắn, đó là một trong những lý do để tới nay, Hoàng tử bé đã có gần 400 bản dịch trên thế giới, kèm theo đó là vô vàn công viên giải trí, phim, nhạc kịch, triển lãm, bảo tàng. Riêng tại Việt Nam, ngoài việc đưa vào sách giáo khoa lớp 6, Hoàng tử bé cũng đã có dăm bảy bản dịch. Trong đó, một dịch giả từng lý giải sức hút của cuốn sách rằng "Người trẻ đọc để nuôi mộng bình sinh, còn người già đọc để ngấm nỗi nhân sinh".
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhắc lại Hoàng tử bé để nói về một điều không bao giờ cũ: Trong dòng chảy chung, những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em có vai trò quan trọng không kém gì sách cho… người lớn. Và ở một góc độ khác, những chân thành, tò mò, đam mê, tử tế của trẻ chỉ có thể tìm được tương thông từ những rung cảm thực sự ở người viết - chứ không bao giờ theo cách chúng ta "hạ mình" để bước vào thế giới này.
Như Saint-Exupéry viết: "Chỉ có những đứa trẻ là biết mình tìm cái gì". Và "Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy".
Tags