(Thethaovanhoa.vn) - Như bao người khác, tôi vô cùng xúc động khi xem đoạn video về buổi biểu diễn tối 24/7 của saxophone Trần Mạnh Tuấn.
Giữa một khoảng không rộng lớn, giữa những khối nhà của 2 khu bệnh viện dã chiến 3 và 6 của TP.HCM, người nghệ sĩ thổi cây kèn saxophone trứ danh của mình ở đó, với những bản nhạc Quê hương, Diễm xưa, Về quê hay Còn tuổi nào cho em.
Đấy là giai điệu của những bài hát mà rất nhiều người Việt Nam ở các thế hệ khác nhau đã thuộc lòng. Nhưng đêm ấy, sân khấu thật đặc biệt với người nghệ sĩ saxophone và các khán giả của anh.
Ánh đèn ở đấy không đến từ sân khấu nhà hát. Những khán giả lắng nghe anh thổi kèn không ngồi trên các hàng ghế của rạp. Họ ở những lô riêng cách biệt với những người khác, bởi đó là các cửa sổ của khu bệnh viện. Khán giả chính là hàng nghìn F0 đang điều trị ở đó cùng với rất nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế.
Người nghệ sĩ thổi kèn qua một chiếc khẩu trang, mũ chống bắn giọt chụp trên mặt, nhưng âm thanh nghe vẫn da diết và cảm xúc lắm, bởi nó phát ra từ trái tim anh. Những ánh đèn của cái sân khấu lạ kỳ bậc nhất của một giai đoạn đặc biệt này tỏa sáng lung linh thật đẹp. Và ở sân khấu ấy, những ngày trước đó, nhiều nghệ sĩ cũng đã đã hát cho đồng bào.
Năm ngoái, khi dịch bùng phát ở châu Âu và Mỹ, đã từng có một cuộc sống đặc biệt diễn ra trên các cửa sổ và các ban công. Người ta hát quốc ca, chơi nhạc và nói chuyện với nhau qua một khoảng không gian bị ngăn cách bởi bê tông hoặc những khoảng sân, những con ngõ. Bị buộc phải ở nhà, cách ly với hàng xóm và xã hội, những tiếng hát và cả những buổi biểu diễn trên các quảng trường không khán giả nhưng được truyền trực tiếp trên ti vi hoặc internet ấy là cách để người ta động viên nhau, nương tựa vào nhau, an ủi nhau vượt qua những nỗi đau, nỗi sợ hãi và sự khó khăn. Rồi khó khăn ấy cũng qua.
Lúc ấy, chứng kiến cuộc sống đó qua các bài báo hoặc các bản tin truyền hình của các nước Âu - Mỹ, tôi không nghĩ được rằng, một ngày nào đó những sân khấu như thế có thể có thể xuất hiện ở nước ta. Nhưng điều ấy đã xảy ra, trong những ngày mà mỗi sáng và tối, các bản tin luôn cung cấp những con số lạnh lùng về số lượng các ca mắc mới ở TP.HCM. Những bản tin có 4 con số và cả thành phố đã sống một cuộc sống khác trong những ngày qua.
- Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn: Ru tình để nhớ Trịnh Công Sơn
- Saxophone Trần Mạnh Tuấn tiếp nối 'Dấu ấn'
Những con phố vắng vẻ. Quy định về việc không ra khỏi nhà từ 18h đến 6h sáng hôm sau đã được ban bố. Những tấm ảnh về một Sài Gòn - như nhiều người vẫn gọi thành phố ấy bằng cái tên trìu mến như thế - với những đường phố chỉ thấy đường, bê tông và những ô cửa sổ sáng đèn, cho thấy có một cuộc sống khác đang diễn ra. Và chúng ta phải coi đó là "bình thường" trong đại dịch.
***
Bạn tôi gửi cho tôi một video mà anh quay từ cửa sổ chung cư. Rồi anh bảo, từ khi sống ở đây bao nhiêu năm qua cho đến giờ, anh chưa từng thấy những con phố vắng vẻ đến thế vào lúc tối và hoàn toàn yên lặng. Cuộc sống vẫn diễn ra trong các căn nhà, hàng triệu cuộc sống như thế, nhưng những con phố chỉ có đèn đường. Và đó là âm thanh của sự im lặng, điều chưa từng có với một thành phố không ngủ, kể cả khi đêm sắp qua.
Ở Hà Nội, những con phố cũng thế. Tấm ảnh của một phóng viên post lên Facebook chụp phố Lý Thường Kiệt có đúng 2 màu. Màu xanh mát rượi của cây mà có lẽ những hôm đi làm có khi tôi không để ý, màu áo da cam của một anh công nhân đi xe máy ngang qua. Chỉ mình anh, con người duy nhất trên 1 con phố không ai lại qua. Nhật báo tiếng Anh Việt Nam News đã đăng tấm ảnh ấy ra trang bìa với tít “Sounds of silence” (Âm thanh của sự im lặng).
Hà Nội, TP.HCM và nhiều nơi khác cũng thế. Chỉ có những đường phố vắng vẻ thôi, nhưng trái tim chúng ta vẫn đập và chúng ta vẫn nghe thấy hàng ngày. Chúng ta vẫn thấy mọi người sống vì nhau, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau để cùng sống. Đấy là âm thanh của những trái tim của những người đang dìu nhau tiến lên phía trước. Trong những tiếng trái tim ấy, có tiếng saxophone của Trần Mạnh Tuấn trong một đêm Sài Gòn…
Clip phần biểu diễn của Trần Mạnh Tuấn:
Anh Ngọc
Tags