(Thethaovanhoa.vn) - Chuồng cọp ở đây tất nhiên không nằm ở vườn Bách thú. Đó là những chiếc lồng bằng khung sắt được gắn lên phần hở tại các căn hộ tập thể hoặc nhà cao tầng để cách ly phần diện tích bên trong với không gian ngoài trời. Một cách hài hước, kiến trúc tự phát không có trong sách vở ấy vẫn được người dân gọi là chuồng cọp, chuồng chim hay... nhà đeo ba lô.
Hài hước, nhưng không phải bao giờ người ta cũng có thể đùa khi nhắc tới chuồng cọp. Chúng ta đang nói về vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) vào 2 ngày trước, khi 4 người trong nhà tử vong vì đường thoát hiểm đã bị chuồng cọp bịt kín.
Như những gì được tường thuật, khi vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm, ngọn lửa ở tầng 1 đã ngăn chặn lối thoát duy nhất của ngôi nhà. Các nạn nhân sau đó đã chạy lên tầng tum, nơi bị chuồng cọp cùng mái tôn quây kín, và tử vong tại đây. Đau xót hơn, trong tiếng kêu cứu, những người hàng xóm đã cố gắng tiếp cận nơi nạn nhân mắc kẹt nhưng không có cách nào để vượt qua lớp “chuồng cọp” bên ngoài.
“Tầng tum hàn chắc quá, không sao cứu được người!”. Lời than của một người hàng xóm chứng kiến vụ cháy ấy đã được trích dẫn trên nhiều mặt báo những ngày qua. Để rồi, cùng với nó, hình ảnh của những “chuồng cọp” - vốn nhan nhản tại các đô thị lớn - lại xuất hiện trên báo với mật độ dày đặc hơn bao giờ hết.
***
Khó ai có thể tìm ra thời điểm “chuồng cọp” bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng với trí nhớ của rất nhiều người, kiến trúc đặc biệt ấy đã tồn tại ngay từ thập niên 1980, tại những khu tập thể xây kiểu cũ. Ở những không gian chật hẹp ấy, “chuồng cọp” lập tức cho thấy ưu thế tuyệt đối của mình: Tăng thêm vài mét vuông diện tích cho chủ nhà bằng cách “vươn” ra khoảng không, và trở thành nơi phơi quần áo, đặt rổ bát đũa, thậm chí là... bắc bếp nấu cơm hay đặt thùng rác.
Và cũng theo khẳng định của nhiều người, từ miền Bắc, xu thế làm “chuồng cọp” dần lan tỏa và xuất hiện tại các căn hộ phía Nam. Để rồi, theo thời gian, trong trào lưu đô thị hóa, “chuồng cọp” xuất hiện cả ở những ngôi nhà ống được xây dựng, với đủ sự tiện lợi nữa như ngăn trộm, bảo vệ trẻ em nhỏ - hoặc tạo sự thông thoáng cho phần tum thay vì xây vách kín.
Bây giờ, ngay ở những khu chung cư mới được xây dựng vào những năm 2000, chúng ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy “chuồng cọp”, cũng như sự xuất hiện của những tổ hợp hàn xì chuyên gia công kiến trúc này theo đơn đặt của chủ nhân. Cho dù, trong một đô thị đã phát triển và thay đổi rất nhiều, những kiến trúc của một giai đoạn “quá độ” như vậy rõ ràng đang cho thấy mặt trái của nó ở cả góc độ thẩm mỹ lẫn an toàn phòng cháy.
Sự thực, như chia sẻ từ cơ quan chức năng, việc khuyến cáo vận động tháo dỡ “chuồng cọp” tại các khu chung cư - và kể cả nhà ống - là điều đã được nhiều nơi thực hiện. Nhưng, khi mà “chuồng cọp” còn mang theo nó quá nhiều sự tiện dụng, điều này không dễ nhận được sự hưởng ứng từ mọi gia đình.
Đã có những đề xuất đưa ra nhằm giảm nhẹ hậu quả của “chuồng cọp” trong những vụ hỏa hoạn. Chẳng hạn, những nhà sinh sống gần nhau nên phối hợp làm một lối thông nhau để thoát nạn khi cần, hoặc các ô cửa thoát hiểm trên “chuồng cọp” cần được trổ sẵn để mở ra và sử dụng khi gặp nạn. Nhưng, bản thân những gợi ý ấy cũng không dễ triển khai ở đô thị bởi tâm lý... nhà nào biết nhà đó, cũng bởi nỗi lo lắng của các gia đình về việc các ô cửa trổ sẵn có thể trở thành mắt xích để kẻ gian lợi dụng.
Bởi thế, sẽ rất dễ dàng để nói rằng “chuồng cọp” cần được dẹp bỏ để đề phòng hỏa hoạn. Nhưng, khi mà gắn với nó là thói quen tạm bợ, là tâm lý tận dụng từng mét vuông diện tích đã có từ rất lâu hay sự bất an trong một xã hội vốn còn nhiều tệ nạn... thì mọi thứ tất nhiên không thể là câu chuyện của một sớm một chiều.
Trí Uẩn
Tags