Chúng ta sắp đi hết năm 2024. Và nhìn lại, năm qua, "công nghiệp văn hóa" có lẽ là một trong những cụm từ được nhắc tới nhiều nhất mỗi ngày.
Quả thật, trong bối cảnh giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành lĩnh vực trọng điểm, góp phần tạo dựng bản sắc quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một đòi hỏi tất yếu khách quan.
Tuy nhiên, để ngành kinh tế này phát triển bền vững, rõ ràng cần có những hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ và bảo vệ các giá trị sáng tạo - mà trước hết là từ vai trò của Nhà nước.
Một trong những cơ chế tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển công nghiệp văn hóa là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm của nó như âm nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, thời trang sẽ không thể tối đa hóa được giá trị thương mại nếu thiếu các công cụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Do vậy, bên cạnh việc ban hành một hệ thống pháp luật đồng bộ thì năng lực thực thi pháp luật cũng phải có chất lượng tương xứng, để đảm bảo rằng những chủ thể sáng tạo đều nhận được các thành quả xứng đáng cho các hoạt động đầu tư, trực tiếp sáng tạo nên các sản phẩm của mình.
Sự phát triển của công nghệ - và sự thay đổi trong cách người dùng tiếp cận với các sản phẩm sáng tạo - đã tạo điều kiện cho những nhà đầu tư, nhà sáng tạo rút ngắn khoảng cách đưa sản phẩm đến công chúng, thậm chí có thể kết nối trực tiếp với khách hàng.
Nhưng, chính sự phát triển này cũng gặp nhiều thách thức. Trong đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên khó khăn hơn khi xuất hiện những thị trường không chính thống, bao gồm các trang web tải lậu và các nền tảng phân phối trực tuyến bất hợp pháp.
Điều này làm giảm doanh thu cho những nhà sáng tạo và những người đã thực sự đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của các chủ thể này - cũng như đến trật tự quản lý của Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Vì vậy, việc tạo ra một hệ thống công cụ kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một nhu cầu thiết yếu. Một mặt, hệ thống này khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, giúp những người sáng tạo - hoặc đầu tư cho sáng tạo - có thể làm giàu từ các sản phẩm của mình. Mặt khác, hệ thống cũng giúp cho bên liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm, đảm bảo trật tự quản lý Nhà nước.
Để hoạt động hiệu quả, hệ thống này cần đảm bảo tiêu chí đơn giản và thuận tiện, để những bên bị xâm phạm có thể phát hiện, báo cáo nhanh các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ mình, đồng thời khi báo cáo được tiếp nhận cần đảm bảo một quy trình xử lý hiệu quả sau báo cáo.
Bên cạnh đó, cũng cần thiết lập các trung tâm hỗ trợ khiếu nại nhằm cung cấp tư vấn và hỗ trợ cho các chủ thể sáng tạo khi bị xâm phạm. Các trung tâm này cũng có thể đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp nhanh chóng để giảm thiểu xung đột và tổn thất cho các bên liên quan.
Gần nhất, ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3316/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đáng chú ý, trong Kế hoạch triển khai này, một trong 14 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là "Xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số".
Hi vọng, việc phối hợp giữa các bên liên quan một cách đồng bộ sẽ làm cho hệ thống này sớm được xây dựng và đi vào hoạt động chính thức. Bởi, thực thi hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả là chìa khóa để biến ngành công nghiệp văn hóa thành một trụ cột kinh tế, giúp gia tăng giá trị cho văn hóa Việt Nam và đưa văn hóa nước nhà tiến xa hơn trên trường quốc tế.
Tags