2 ngày nữa (31/10) là thời điểm đón lễ hội Halloween tại nhiều quốc gia trên thế giới. Còn ở Việt Nam vào dịp này, chúng ta ít nhiều cũng bắt gặp tâm lý "nhấp nhổm" chờ đón Halloween của giới trẻ.
Chính xác là giới trẻ - chứ không phải đại bộ phận cộng đồng. Bởi, dù du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm qua, lễ hội này cũng chỉ thật sự được tiếp nhận bởi những cô cậu học sinh dưới 18 tuổi, hoặc những thanh niên đôi mươi. Còn lại, những người ở độ tuổi ngoài đôi mươi thường nhìn nó với cặp mắt thờ ờ - thậm chí là khe khắt.
Về cơ bản, sự sôi động của ngày Halloween tại Việt Nam là có thật: Người trẻ coi đó là dịp để vui chơi hết mình, còn hệ thống kinh doanh, dịch vụ thì nhìn thấy ở đó một thị trường không nhỏ.
Bởi thế, những ngày này, dù online trên mạng xã hội hay dạo bước qua những trục phố lớn, chúng ta bắt gặp vô vàn hình ảnh quảng cáo cho đủ loại mặt nạ, bí ngô, đồ hóa trang… hoặc các sự kiện được tổ chức trước hoặc đúng ngày 31/10.
Hoặc, không chỉ tổ chức ở quán cà phê, quầy hàng hay các không gian công cộng, nhiều cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài- từ các trung tâm ngoại ngữ cho tới trường trung học và cả... trường mẫu giáo - cũng chủ động đứng ra tổ chức đón Halloween cho học viên.
Để rồi, cũng gần như đều đặn, vào dịp này, những ý kiến trái chiều về ngày Halloween thường xuyên được chia sẻ trên mặt báo hoặc mạng xã hội.
Đơn cử, với trào lưu tổ chức ngày Halloween ở các trường mẫu giáo hoặc tiểu học, có rất nhiều phụ huynh hào hứng kể về niềm vui của các học sinh khi được chia các viên kẹo hình bí ngô, được "hóa thân" thành các nhân vật giả tưởng hoặc được cùng nhau trang trí lớp học theo bối cảnh của những câu chuyện giả tưởng.
Còn ở hướng ngược lại, trên mặt báo và không gian mạng, cũng có không ít phụ huynh lên tiếng đề nghị chấm dứt việc Halloween tại trường học, với lý do… không mang lại bài học nào cho trẻ, thậm chí đem lại sự ám ảnh, sợ hãi, kích thích trí tưởng tượng về ma quỷ hay những điều ghê rợn cho các em. Như những ý kiến này, Halloween chỉ phù hợp để cho tổ chức ở các khu vui chơi, nhà hàng - thay vì bước vào môi trường dành cho giáo dục.
Rồi, ngay cả ở các không gian khác, bên cạnh sự náo nhiệt và hài hước vốn có của một lễ hội hóa trang, nhiều người cũng tỏ ra dị ứng với những cách "nhập vai" quá kệch cỡm và rùng rợn, hoặc việc nhiều thanh niên "mượn cớ" Halloween để trêu đùa, dọa nạt người đi đường.
***
Việc Halloween tại Việt Nam chỉ gắn với giới trẻ là điều dễ hiểu, khi sự kiện này chủ yếu vẫn được tiếp nhận dưới hình thức một lễ hội hóa trang - yếu tố dễ nhận thấy nhất ở nó. Còn lại, những nội dung "khó nhớ" liên quan đến tôn giáo hay xuất xứ từ lịch sử truyền thống phương Tây... của Halloween thường ít được chú ý hơn.
Và với việc thiếu một nền tảng đủ chiều sâu đểtìm được sự tương đồng với văn hóa Việt Nam -không giống như các trường hợp của ngày Quốc tế Phụ nữ, Valentine's Day - cũng không lạ khi ngày Halloween nhận về những ý kiến trái chiều.
Thẳng thắn, trong dòng chảy hội nhập, cũng như trong bối cảnh đã kịp "bén rễ" tại một số đô thị ở Việt Nam, ngày Halloween sẽ còn tiếp tục phát triển theo thời gian. Nhưng, trong tương lai, lễ hội ấy vẫn có nhiều cơ hội để định hình, thanh lọc và mang những màu sắc phù hợp - khi mà việc "thực hành" nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa, nhận thức và cả thẩm mỹ của người trong cuộc.
Còn trước mắt, chúng ta hãy cứ đón một ngày Halloween vui vẻ và... chừng mực, theo cách có thể!
Tags