Góc nhìn 365: Chờ Hà Nội quay mặt ra sông

Thứ Năm, 25/03/2021 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc Hà Nội chuẩn bị hoàn thiện và công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang trở thành sự kiện được đặc biệt quan tâm trong những ngày này.

215 nghìn người cùng hàng chục cơ quan sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử

215 nghìn người cùng hàng chục cơ quan sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử

Với việc chuẩn bị công bố Quy hoạch phân khu nội đô, TP. Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều vấn đề cần các giải pháp để triển khai quy hoạch, trong đó có vấn đề giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử.

Quan tâm, không chỉ bởi đó là câu chuyện liên quan tới đời sống của hàng chục vạn người dân đang ở cạnh sông Hồng cũng như hàng triệu người dân Hà Nội. Xa hơn thế, từ 1/4 thế kỷ qua, chúng ta vẫn đau đáu với ý tưởng đưa thành phố “quay mặt” ra sông Hồng, thay vì cảnh “quay lưng” mà lịch sử và những hạn chế trong quá khứ đã để lại.

Với một Hà Nội đang phát triển, đó là bước đi tất yếu, dù không hề đơn giản…

Sự không đơn giản này bắt đầu ngay một thế kỷ trước, khi vào năm 1920, người Pháp cho đắp cao đoạn đê sông Hồng tại Hà Nội sau những trận lụt lớn. Chống lụt, đoạn đê này cũng trở thành rào chắn ngăn cách Hà Nội với mặt sông.

Rồi theo thời gian, đặc biệt là từ giai đoạn 1954, sự tăng trưởng của cư dân Hà Nội, cũng như những hạn chế về điều kiện phát triển đô thị khi ấy, đã dần biến khu vực này trở thành nơi pha trộn của những khu tập thể cũ, cảng sông, kho xưởng nhà máy, nơi thoát nước thải đô thị - và đặc biệt, là những cụm nhà ở tự phát theo kiểu “vệt dầu loang” của người nghèo.

Chú thích ảnh
Phối cảnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 4 quận nội đô lịch sử Hà Nội. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Sự chuyển mình của Hà Nội giai đoạn Đổi mới đã dần đặt ra nhu cầu khai thác mảng không gian đang bị bỏ phí ấy. Cụ thể, đến giờ, nhiều người vẫn nhắc năm 1995 - thời điểm một số nhà đầu tư nước ngoài đề xuất quy hoạch một khu đô thị sát sông Hồng thuộc khu Yên Phụ, An Dương, để làm cột mốc cho ý tưởng “quay mặt ra sông” của một Hà Nội thời hiện đại.

Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, nhu cầu này được nhắc tới nhiều nhất vào giai đoạn sau năm 2000, khi Hà Nội đã hội tụ đầy đủ các tiền đề về kinh tế, tầm nhìn, và nhất là sự ổn định tương đối về mực nước của sông Hồng sau khi những hệ thống thủy điện trên thượng nguồn được hoàn thành.

***

Thực tế, trong những năm qua, Hà Nội cũng từng “vươn ra” ngoài đê sông Hồng ở những trường hợp nhất định. “Con đường gốm sứ” của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cách đây hơn 10 năm chính là một ví dụ điển hình, khi đoạn đê sông Hồng qua Hà Nội được lột xác và tô điểm để trở thành một kiến trúc mang tính nghệ thuật, làm đẹp thêm bộ mặt thành phố.

Hoặc, gần nhất, ngay trong năm 2020 vừa qua, dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân được triển khai thành công tại một khu tập kết rác thải ven bờ sông. Với một không gian mới được tạo dựng từ các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, nhiều chuyên gia đã hi vọng toàn bộ khu vực bờ mép sông Hồng sát cầu Long Biên sẽ được dần cải tạo thành không gian sinh thái và thu hút khách đi bộ vào dịp cuối tuần.

Dù còn nhỏ lẻ và cục bộ, những dự án ấy cũng cho thấy nhu cầu đích thực của người dân Hà Nội về một “lá phổi xanh” với hệ thống không gian đặc thù bên bờ sông Hồng. Và chắc chắn, không gian ấy chủ yếu phải là sân chơi chung để mọi người dân thành phố đều có thể hưởng thụ - thay vì là nơi để những khối cao ốc chiếm đại đa số như nhiều người từng lo lắng.

Bây giờ, những thông tin ban đầu về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với việc dành một lượng lớn không gian cho sinh thái, cũng như hạn chế xáo trộn đời sống của những hộ dân đang sống ngoài đê, ít nhiều khiến chúng ta hi vọng vào tương lai của một Hà Nội bên sông Hồng.

Dù ai cũng hiểu, mọi thứ không thể là câu chuyện chỉ trong một chiều một sớm.

Cúc Đường

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›