(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bản quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội cho biết: Dự kiến vào tháng 7 này, việc phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại hồ Văn sẽ được triển khai và phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.
Đó không đơn thuần là câu chuyện về việc tôn tạo một hạng mục thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu. Bởi, nếu xét về thời gian, đã có hơn 20 năm trôi qua, kể từ thời điểm việc phục hồi tòa Phương đình trên gò Kim Châu được nhắc tới trong quyết định của thành phố Hà Nội (vào cuối tháng 8/1998). Thế nhưng, mọi thứ vẫn chưa thành hiện thực vì nhiều lý do khác nhau.
Cần nhắc lại, theo nhiều tư liệu cũ, gò Kim Châu và các kiến trúc gắn với nó từng tồn tại khá lâu trong lịch sử, khi được sử dụng làm nơi bình văn đọc thơ của giới nho sĩ. Tuy nhiên, những biến động lịch sử đã khiến không gian hồ Văn có nhiều biến đổi, và hiện tại nằm tách bạch với phần lớn quần thể Văn Miếu bởi trục phố Quốc Tử Giám bây giờ. Đặc biệt, một phần diện tích ven hồ cũng bị các hộ dân lấn chiếm, hoặc tái lấn chiếm sau khi giải tỏa.
Phải tới đầu năm 2006, sau khi đã tu sửa, nạo vét và xây rào bảo vệ, phần diện tích hồ Văn mới được bàn giao cho Ban quản lý Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám để trở thành phần không gian mở rộng của quần thể này. Tuy nhiên, trên gò Kim Châu vẫn tồn tại một gian thờ tự phát xây theo kiểu nhà cấp bốn, trong đó có đặt các các bàn thờ Mẫu.
Thực tế, trong nhiều cuộc tọa đàm về bảo tồn không gian Văn Miếu, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự bức xúc về kiến trúc có phần nhạy cảm này. Cụ thể, trong một cuộc chuyện trò với người viết, PGS Trần Lâm Biền từng nhắc tới sự tồn tại trong nhiều năm của “miếu hai cô” tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học cạnh Văn Miếu như bài học điển hình về các kiến trúc tự phát mọc lên quanh di sản bởi tâm lý mê tín.
Ông khẳng định:“Cái gì không thuộc về lịch sử văn hóa của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì không thể để tồn tại. Và nếu ta cứ chiều theo nhu cầu mê tín của người dân mà duy trì, thì hậu quả sẽ tệ hại vô cùng”.
***
Như thế, những gì diễn ra với gò Kim Châu là một câu chuyện dài do lịch sử để lại. Và, càng theo thời gian,“hiện tồn lịch sử” ấy càng được trông đợi được thay đổi, để tạo dựng lại một gò Kim Châu phù hợp với lớp giá trị mà Văn Miếu mang theo.
- Quy hoạch Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mở ra những giá trị bị bỏ quên
- Tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Chính phủ đồng ý lập Quy hoạch tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Hiện tại, những gì được nhắc tới trong dự án tôn tạo gò Kim Châu cho thấy tín hiệu rất tích cực, khi tòa Phương đình được quy hoạch là kiến trúc duy nhất tại đây sau khi tôn tạo và chỉ khai thác vào các chức năng văn hóa. Cụ thể hơn, theo phương án thiết kế, Phương đình có kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái, với bộ khung gồm 16 cột gỗ, nền lát gạch bát tràng, chân tảng, bậc cấp bó vỉa chế tác bằng đá xanh, mái lợp ngói mũi hài… Đặc biệt, kiến trúc mang phong cách truyền thống này sẽ được đặt ở vị trí trung tâm trên trục thần đạo của tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ở một góc độ khác, hệ thống sân vườn, cảnh quan, kè hồ... cũng sẽ được triển khai tại gò Kim Châu. Ngoài việc bảo tồn 2 bia đá cũ và 2 cây si trên gò, một cây cầu đá nối từ Kim Châu vào bờ cũng sẽ được xây dựng để phục vụ khách tham quan. Được biết, bên cạnh các văn bản về vấn đề tu bổ, vào tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Hà Nội cũng đã có văn bản yêu chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình triển khai dự án này.
Nhiều năm qua, hồ Văn sau khi được cải tạo đã khang trang, sạch đẹp hơn, trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như hội chữ Xuân, hội chợ sách, ngày thơ Việt Nam. Bây giờ, khi dự án bảo tồn gò Kim Châu và Phương đình được triển khai, chúng ta đang hoàn thành mảnh ghép cuối cùng để có một không gian văn hóa xứng tầm trong quần thể Văn Miếu...
Trí Uẩn
Tags