Góc nhìn 365: Chờ một Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu xiếc

Thứ Năm, 20/02/2025 07:17 GMT+7

Google News

"Chúng tôi đang lên kế hoạch hợp tác với ngành cải lương để dàn dựng một vở diễn về Phật hoàng Trần Nhân Tông và ra mắt vào cuối năm nay. Đây là điều cần làm, khi mà chính sân khấu và trụ sở của chúng tôi đang nằm trên con đường mang tên vị anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa này" - NSND Tống Toàn Thắng, giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ trong buổi gặp gỡ với báo giới sáng 19/2.

Như lời anh, vở diễn này hướng tới việc trở thành một sản phẩm du lịch bền vững, gắn với tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông vừa hình thành thời gian qua.

Nhìn lại, hình tượng vua Trần Nhân Tông đã từng xuất hiện ở sân khấu nhiều thể loại như kịch nói (vở Non thiêng), cải lương (vở Vua Phật), tuồng (vở Phật hoàng Trần Nhân Tông) và cả nhạc kịch (vở Đức vua hóa Phật). Nhưng chắc chắn, việc đưa cuộc đời vị vua sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm lên sân khấu xiếc là điều chưa từng có ở môn nghệ thuật này.

Và, dù có sự "giúp sức" từ cải lương - như hình thức biểu diễn kết hợp 2 loại hình mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng áp dụng với các vở Cây gậy thần, Thượng thiên Thánh mẫu - thì rõ ràng, đây vẫn là một thử nghiệm thú vị và không hề đơn giản với các nghệ sĩ xiếc.

Góc nhìn 365: Chờ một Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu xiếc - Ảnh 1.

Vở "Non thiêng" tái hiện cuộc đời và công trạng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nguồn: baoquangninh.vn

Chẳng hạn, như chia sẻ của những người trong cuộc, có thể thấy trước, việc thể hiện hình tượng một vị hoàng đế (và sau đó xuất gia) bằng ngôn ngữ xiếc sẽ đặt ra nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tính uy nghi, trầm tĩnh và chiều sâu thông tuệ của nhân vật lịch sử này.

Nhưng ở góc độ ngược lại, nếu thử nghiệm này thành công, rõ ràng ngành xiếc Việt Nam đã có thêm một bước tiến trong lộ trình đa dạng hóa về kịch mục, cũng như phân khúc khán giả. Thậm chí, với ước vọng của NSND Tống Toàn Thắng, tận dụng ưu thế vốn ít phải sử dụng lời thoại, vở diễn sẽ tìm hướng lưu diễn hoặc tham gia một số lễ hội biểu diễn quốc tế.

Và nhìn rộng ra, vở diễn về vua Trần Nhân Tông chỉ là một trong nhiều chương trình đáng chú ý của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong kế hoạch biểu diễn vừa công bố.

Theo đó, trong năm 2025, đơn vị này sẽ có nhiều chương trình biểu diễn mang tính chính luận, gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như Bản hùng ca thống nhất, Ký ức Trường Sơn, Tôi yêu Việt Nam... Rồi, theo kế hoạch, vào tháng 8, các nghệ sĩ cũng sẽ ra mắt chương trình mang tên "Tia nắng bình yên" nhằm khắc họa hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân trên sân khấu xiếc.

Như NSND Tống Toàn Thắng từng chia sẻ, muốn thu hút khán giả bây giờ, xiếc hay loại hình nghệ thuật nào cũng phải tự làm mới, thậm chí cộng hưởng cùng nhau để kết nối, sẻ chia trên nguyên tắc vẫn giữ được đặc trưng vốn có. Và xiếc Việt Nam có lẽ cũng đã đến lúc không chỉ chinh phục khán giả bằng sự quả cảm, khéo léo, mà còn bằng xúc cảm từ những câu chuyện và cách hóa thân vào nhân vật của nghệ sĩ.

Có nghĩa, mọi thứ đang phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và khổ luyện của các nghệ sĩ xiếc, để có một tương lai mới cho mình.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›