(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 1 tháng qua, 25 phương án xuất sắc nhất của cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội (do UBND Hà Nội cùng Hội KTS VN phối hợp với một số đơn vị tổ chức) đã được trưng bày và bình chọn trực tuyến trên mạng internet, trước khi công bố kết quả cuối cùng trong thời gian tới.
Có thể, khái niệm “không gian sáng tạo” ấy vẫn có chút khó hiểu với một số người. Nhưng, sẽ đơn giản – và hấp dẫn hơn nhiều – nếu chúng ta nhìn vào các phương án thiết kế để hình dung cụ thể.
Bởi, dù gắn với bãi sông Hồng, nhà máy xe lửa Gia Lâm, sông Sét hay làng hoa Ngọc Hà, những không gian ấy đều đậm đặc văn hóa và đủ khả năng thu hút cộng đồng nếu được tạo dựng tại Hà Nội.
Ở những phương án được đề xuất ấy, người ta không khó để nhận ra sự “lột xác” của hàng loạt không gian tưởng như rất bình thường trong nhịp sống bây giờ.
Chẳng hạn, phương án có tên Sông Sét – dòng sông hoa đã lựa chọn đúng phần ngã ba sông Sét (gần các cầu Tương Mai và Nguyễn An Ninh) để cải tạo vỉa hè, xây dựng các cầu đi bộ bắc qua mom sông, phủ cây xanh... và biến nơi đây thành một không gian dành cho cộng đồng có đủ bờ cỏ mềm, cổng làng, dàn cây... mang dấu ấn của một làng quê Bắc Bộ truyền thống.
Rồi, với nhà máy xe lửa Gia Lâm – vốn đang được đề xuất di dời khỏi nội đô – phương án Railway District 4.0 lại đề xuất tái quy hoạch để hình thành một “quận đường tàu 4.0” như tên gọi, với việc phá dỡ một số xưởng và kho bãi xuống cấp, giữ lại các kiến trúc có giá trị và cải tạo để trở thành nơi kết nối khách du lịch, nhà đầu tư hay các start-up về công nghệ. Đặc biệt, bên cạnh không gian dành cho sáng tạo và trải nghiệm, một hệ thống quán cà phê ngoài trời nhìn ra tuyến đường sắt cũng được bố trí để du khách có thể đón thanh âm của những chuyến tàu vào ga.
Hoặc, với mỗi kiến trúc cũ của Hà Nội, các phương án dự thi đều đưa ra cách tiếp cận rất độc đáo. Từ sự thay đổi về chiều cao và độ rộng vỉa hè quanh các trục vòm đá cũ của tuyến đường sắt Phùng Hưng,Con đường văn hóa nghệ thuật muốn tạo lập một chuỗi không gian sáng tạo rất linh hoạt và đa dạng. Phương án Nội Hà - Long Biên phát hiện khoảng cách dự kiến giữa cầu Long Biên cũ và cầu Long Biên sắp xây là 40 mét – một tỉ lệ chuẩn về bố cục kiến trúc- và đề xuất biến Long Biên thành cây cầu đi bộ với những góc nhìn riêng.
Tương tự, Hà Nội – thành phố phía trong dòng sông (AD 213) muốn mở rộng Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, kết nối toàn bộ khuôn viên các nhà hát, bảo tàng, công viên xung quanh... để tạo thành một công viên văn hóa đặc biệt.
- Hướng đi mới của các không gian sáng tạo tại Hà Nội
- Góc nhìn 365: Không gian sáng tạo cần gì?
- Kết nối những không gian sáng tạo Việt
Thậm chí, những không gian tưởng chừng bị bỏ quên của Hà Nội cũng trở thành nơi dành cho các ý tưởng thiết kế đặc biệt như phương án Low Garden: cải tạo hầm bộ hành Ngã Tư Sở bằng công nghệ để có thể trồng cây xanh, mở rộng sang hai bên để tạo dựng không gian cho các dịch vụ với những lối đi riêng...
***
Vài năm gần đây, những không gian sáng tạo đã nối nhau mọc lên tại Hà Nội để trở thành nơi kết nối, hỗ trợ và phát triển cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ. Đặc biệt, kể từ khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019, những không gian này được kì vọng sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo của thành phố ở tương lai gần.
Nhưng, khi những không gian sáng tạo hiện có chủ yếu tồn tại dựa trên sự nhiệt tình của nhiều cá nhân đơn lẻ (và ít nhiều cũng có dấu hiệu “đuối sức” trong mùa dịch Covid-19), chắc chắn chúng cần được tiếp sức bởi sự xuất hiện của những không gian mới, với những gam màu mới.
Chỉ là khởi đầu, nhưng các phương án mới về không gian sáng tạo của Hà Nội vẫn đủ để chờ đợi và hy vọng, nếu những ý tưởng ấy được định hướng phát triển rõ ràng và có cơ chế linh hoạt để thu hút mọi nguồn lực của Nhà nước cũng như cộng đồng.
Trí Uẩn
Tags