Một cá nhân hay một gia đình nho nhỏ, trước khi đi xa luôn phải chuẩn bị hành trang cho mình. Chuẩn bị càng chu đáo, cẩn trọng thì hành trình đã định càng ít gặp những sự cố không đáng có.
Hành trang đồ sộ về văn hóa lịch sử Hà Nội cũng cần được chuẩn bị như vậy. Thực tế, chúng ta thường nói về nó với lòng tự hào vô hạn, nhưng lại ít khi chỉ rõ nó gồm những gì, sử dụng thế nào và vào việc gì trong hành trình hội nhập phát triển.
Đó là cách đặt vấn đề khá thú vị của TS Nguyễn Viết Chức tại cuộc hội thảo về nguồn lực văn hóa xây dựng Hà Nội, vừa diễn ra hai ngày trước…
Như lời TS Chức, để "chuẩn bị hành trang" cho giai đoạn phát triển mới, Hà Nội cần sớm kiểm đếm tài sản văn hóa của mình theo hướng có sự đánh giá, so sánh để cân nhắc lợi ích cho hiện tại và tương lai.
Từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, chuyên gia này chia sẻ về trường hợp Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước năm 2000. Thời điểm đó, việc xây dựng một số công trình mới như nhà Thái Học, gác chuông, gác trống, tả vu, hữu vu… tại khu đất bị bỏ hoang hơn nửa thế kỷ trong quần thể đã được Hà Nội phê duyệt. Dù vậy, tới trước khi khởi công năm 1998, dự án vẫn nhận khá nhiều ý kiến về việc xâm phạm di tích, bởi Văn Miếu trước đó không có những công trình này.
Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó cho thấy: Cụm công trình bổ sung đã trở thành bộ phận hài hòa và không thể thiếu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, góp phần giúp quần thể di tích này có nguồn thu 30 - 40 tỷ nộp ngân sách mỗi năm. Riêng ở ý nghĩa lịch sử văn hóa, cụm công trình không chỉ tăng giá trị cho Văn Miếu (trong đó có việc tri ân những danh nhân "thuần Việt" như Chu Văn An hay các vị vua đã xây cho Văn Miếu) mà còn giúp cho Hà Nội có một công trình văn hóa đặc biệt trong dịp kỷ niệm 990 năm tuổi.
"Khi ấy, Hoàng thành Thăng Long chưa thể làm gì vì Bộ Quốc phòng và Hà Nội mới đang bắt đầu công tác bàn giao mặt bằng. Di tích Cổ Loa triển khai cũng rất khó" - TS Chức kể - "Còn Văn Miếu được đánh giá là dễ huy động vốn ngoài ngân sách. Và quả thực, dự án đã huy động được 1 triệu USD của ngành dầu khí, và 300 ngàn USD của một doanh nhân Italy".
Tương tự, ông cũng nhắc tới một ví dụ khác: Khi phá bỏ nhà tù Hỏa Lò vào thập niên 1990, đã có những ý kiến trái chiều về việc giữ lại một phần của công trình này làm di tích lịch sử, với lý do rằng không gian được bảo tồn quá bé. Dù vậy, với cách nhìn của các chuyên gia, khó khăn ấy vẫn có thể khắc phục nếu được quản lý tốt và phát huy lợi thế nằm ở "đất vàng" của Hỏa Lò, đồng thời khai thác thêm các yếu tố lịch sử thú vị tại không gian này. Để rồi, tới hiện tại, tính thực tế và hiệu quả của dự án đã được chứng minh.
***
Thật ra, trong những năm vừa qua, việc kiểm đếm các di sản của Hà Nội vẫn được triển khai ở nhiều mức khác nhau, trong đó bao gồm cả việc xếp hạng để bảo tồn. Nhưng quả thật, với bề dày văn hóa lịch sử của mình, Hà Nội có vô vàn di sản và khó có thể cùng đầu tư một lúc để phát huy giá trị.
Ở một góc độ khác, từ 2 câu chuyện đươc kể, rõ ràng giải pháp "bảo tồn thích nghi" với các di sản cũng có thể phát huy sự hợp lý và hiệu quả, nếu được tiếp cận đúng. Và, điều này lại càng có giá trị gợi mở, khi mà trên thực tế, Hà Nội vẫn sở hữu khá nhiều di sản kiến trúc hay di sản đô thị giàu giá trị, nhưng lại khó có thể xếp hạng di tích để bảo tồn theo Luật Di sản Văn hóa.
Có sự kiểm đếm và đánh giá đúng tiềm năng của di sản, thường xuyên "cập nhật" linh hoạt về khả năng phát huy giá trị theo từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể, xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý ở những thời điểm khác nhau, tiếp nhận ý kiến đa ngành từ các chuyên gia về nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng và cả kinh tế - đó là bước đi cần thiết để Hà Nội không bỏ phí những tiềm năng từ văn hóa lịch sử của mình.
Tags