Ra mắt khán giả vào cuối tuần qua, bản dựng Hồn Trương Ba, da hàng thịt của đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama đang nhận về những dư âm khá đặc biệt, cả từ khán giả lẫn người trong nghề.
Gần 40 năm trước, kịch bản được coi là xuất sắc nhất của cố tác giả Lưu Quang Vũ từng được đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi dựng lần đầu tại Nhà hát kịch Việt Nam. Lập tức, nó trở thành một vở diễn kinh điển trong lịch sử sân khấu Việt Nam - cả về khả năng diễn xuất của một lứa diễn viên bậc thầy lẫn thông điệp và triết lý được chuyển tải.
Cũng từ sức hút của Hồn Trương Ba, da hàng thịt, trong những năm qua, đã có một số phiên bản khác của nó được dàn dựng cho kịch nói (đạo diễn - NSND Đặng Tú Mai), kịch hình thể (đạo diễn - NSND Lan Hương) và cả múa rối (đạo diễn - NSƯT Lê Chí Kiên). Nhưng thẳng thắn, dù có những ưu nhược điểm riêng, các bản diễn này vẫn chưa thể gây tiếng vang như phiên bản đầu tiên.
Còn lần này, khi được dàn dựng theo một dự án đặc biệt của nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp, Hồn Trương Ba, da hàng thịt của đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama gần như mang một màu sắc hoàn toàn mới.
Ở đó, chất dân gian sẵn có ở kịch bản (vốn cũng được phát triển từ một tích truyện dân gian) được giảm nhẹ tới mức tối đa. Người xem không còn thấy những yếm thắm, áo nâu, vườn ổi, lều chõng... vốn có ở những làng quê Bắc Bộ xưa. Thay vào đó, các nhân vật ăn mặc khá hiện đại: Hoặc có phục trang hơi giống phương Tây, hoặc giản dị hệt như trong cuộc sống thường ngày.
Chưa hết, các nhân vật như lý trưởng, tiên cờ Đế Thích... cũng được sửa đổi thông tin để bớt đi màu sắc "bản địa" của Việt Nam, thậm chí đổi hẳn giới tính để thành các nhân vật nữ. Còn sân khấu của vở diễn khá giản dị, nhưng phía góc lại có 1 nhạc công sử dụng guitar điện trong những phút cao trào.
Chia sẻ với báo giới trước vở diễn, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ khá rõ ràng về cách dựng của mình: Ông muốn vở diễn mang phong cách đương đại và có sức hút với mọi lứa khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Cũng như, từ triết lý trong kịch bản về một con người tự đánh mất bản sắc, thiếu hòa hợp giữa "xác" và "hồn", vị đạo diễn này chọn cho mình một cách hiểu và cách tiếp cận riêng: Bi kịch của sự lãng quên.
"Ở nhịp sống hiện đại, chúng ta luôn gặp câu chuyện về những con người đang tự lãng quên. Họ quên mất mình sống vì điều gì, quên mất những yếu tố có thể làm mình hạnh phúc, thậm chí quên mất cả mối quan hệ với thiên nhiên, với những con người xung quanh" - ôngnói - "Đó là những giá trị mang tính toàn cầu, để "Hồn Trương Ba,da hàng thịt" có thể vượt khỏi khuôn khổ một vở diễn Việt Nam để chia sẻ tại bất cứ thời đại nào, bất cứ nơi đâu"...
Sẽ còn nhiều điều để bàn thêm về chất lượng nghệ thuật, cũng như khả năng truyền tải thông điệp mà Hồn Trương Ba, da hàng thịt đưa ra. Nhưng có một thực tế: Lượng khán giả tới Nhà hát Kịch Hà Nội trong 3 đêm cuối tuần vừa qua khá đông - trong đó có nhiều người trẻ. Đó là thành công bước đầu với nỗ lực làm mới một kịch bản kinh điển của sân khấu.
Và xa hơn, ở mức độ nhất định, những tìm tòi để đưa vở diễn thoát khỏi cách hiểu, cách xem từng được mặc định trong vài chục năm qua cũng là những thử nghiệm đáng trân trọng - khi sân khấu Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn và luôn cần thêm những hướng đi mới để mang lại sinh khí cho mình...
Tags