Chúng ta đã tới rất gần ngày Noel của năm 2023 này. Thực tế, từ vài tuần trước, không khí của nó đã lan tỏa khắp các đô thị lớn, với những trang trí, bắt mắt và âm hưởng du dương của các ca khúc mùa Giáng sinh.
Và, dù có ít quan tâm tới ngày lễ đặc biệt này đi nữa, hẳn bạn cũng không thể không nhận ra những cây thông Noel đang xuất hiện tại mọi đường phố hay các cửa hàng.
Mang đủ màu sắc, kích thước và ngập trong ánh sáng rực rỡ, hình ảnh của những cây thông ấy đồng thời cũng tràn ngập không gian mạng, giữa những bưu thiếp điện tử, dịch vụ quảng cáo, hay đơn giản chỉ là một thông báo gặp mặt dịp này.
Xuất phát từ những truyền thuyết của phương Tây và Thiên Chúa giáo, cây thông vốn là biểu trưng đặc thù của lễ Noel. Để rồi những ngày này, nó liên tục được đặt tại mọi cửa hàng, khách sạn, quán ăn và cả công sở, trường học - bất kể những nơi ấy có tổ chức lễ Noel vào đêm 24/12 hay chỉ sử dụng như một món đồ trang trí trong dịp này.
Và nếu nhìn lại, bản thân những cây thông Noel tại Việt Nam cũng là một câu chuyện thú vị.
Vài chục năm trước, khi việc đón Giáng sinh còn chưa phổ biến trong đời sống hàng ngày, khá nhiều cây thông Noel bằng nhựa - với các quả treo sặc sỡ và hệ thống đèn nhấp nháy - cũng đã xuất hiện tại nhiều gia đình trong thành phố vào dịp cuối năm, đặc biệt là... Tết Nguyên đán. Nói cách khác, cây thông Noel lan tỏa trong đời sống của chúng ta còn sớm hơn cả việc ra đường đón Noel.
Còn bây giờ, với sự đi lên của đời sống tiêu dùng, không chỉ thông nhựa mà cây thông tươi cũng đã xuất hiện rộng rãi trên thị trường từ trước lễ Noel cả tháng. Ở đó, người dùng có thể mua những cây thông (hoặc nhánh thông) từ 2 vùng trồng thông nổi tiếng của Việt Nam là Sa Pa và Đà Lạt, hoặc mua các loại thông nhập từ Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Đan Mạch... để đặt tại nhà.
Tất nhiên, mức giá của những loại thông ấy cũng rất đa dạng, tùy thuộc túi tiền và... độ chịu chơi của chúng ta. Đơn cử, như hiện tại, với những loại thông Bắc Âu có hương thơm tự nhiên, dáng cứng cáp, lá dày và độ bền tốt (đủ để bày tới... sau Tết Nguyên đán), người mua chỉ mất vài trăm ngàn đồng nếu cần một cây thông mini để bàn, nhưng sẽ là dăm triệu đồng nếu là một cây thông cao vài mét, hoặc nhiều hơn thế nữa với những cây thông lớn từ 7 mét trở lên.
Ở hướng ngược lại, rất thú vị, ta cũng có không ít câu chuyện về những cây thông Noel được "Việt hóa" theo chất liệu và màu sắc bản địa. Chẳng hạn, vài năm trước, cộng đồng mạng từng háo hức chia sẻ hình ảnh đỉnh Fansipan được trang trí bằng một cây thông Giáng sinh khổng lồ được làm từ 1,5 tấn củ cải đỏ - nông sản đặc trưng của Sa Pa - hoặc hình ảnh một cây thông Noel được làm từ 6.000 chiếc nồi đất tại một làng nghề ở Đô Lương (Nghệ An). Gần hơn, vào năm nay, đó là cây thông cao 47 mét, làm từ gần 4.000 chiếc nón lá tại Tân Biên (Biên Hòa) hay cây thông cao 30 mét, có gắn hình bản đồ Việt Nam tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Như thế, chỉ một cây thông Noel đã mang trong nó bao câu chuyện về sự hội nhập văn hóa,về sự phát triển trong đời sống hay thói quen tiêu dùng của cuộc sống.Và cũng cần nói thêm, hình ảnh mang tính biểu trưng ấy đã trở nên quen thuộc, bởi Giáng sinh được đón nhận rộng rãi trong văn hóa Việt Nam: Giống với ngày Tết của phương Đông, Giáng sinh cũng đề cao những giá trị ấm áp về sự yêu thương chia sẻ giữa con người với con người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình.
Tags