Một sự kiện khá thú vị của sân khấu đang diễn ra: Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023 được tổ chức tại Hà Nam trong thời gian từ 20/5 - 1/6.
Nói đặc biệt, bởi đây gần như là lần đầu tiên, đời sống sân khấu có một liên hoan quy mô lớn, kéo dài hơn chục ngày và quy tụ tới cả trăm trích đoạn từ đủ mọi loại hình của môn nghệ thuật này như kịch nói, kịch dân ca, xiếc, cải lương, tuồng, chèo.
Trước đó, trong nhiều năm dài, việc tổ chức một liên hoan sân khấu có nội dung là các trích đoạn - thay vì vở diễn- thường chỉ gắn với các cuộc thi tài năng dành cho diễn viên trẻ, hoặc bó hẹp trong nội dung của các trích đoạn chèo cổ, tuồng cổ, cải lương.
Còn lần này, với hơn 100 trích đoạn, lượng diễn viên tới dự liên hoan đạt số lượng kỷ lục hơn 500 người (theo ban tổ chức, con số này phải gấp 3 nếu tính cả dàn diễn viên phụ). Và cũng không chỉ là những diễn viên trẻ, khá nhiều trong số đó là những gương mặt đã thành danh, đến từ 23 đơn vị sân khấu từ Bắc tới Nam, trong đó có những tên tuổi như các nhà hát Kịch Việt Nam, Tuổi trẻ, Cải lương Trần Hữu Trang, Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nghệ thuật Cung đình Huế…
Đơn cử, ngay trong đêm khai mạc cuối tuần qua, khán giả và người trong nghề đã rất háo hức khi xem trích đoạn vở Cát bụi của Nhà hát Kịch Hà Nội, với 2 NSND Trung Hiếu và Thu Hà. 19 năm trước, chính cặp diễn viên này đã làm nên thành công của Cát bụi, trước khi tái xuất hôm nay.
***
Không khó để nhìn ra: Dù chỉ có dung lượng 20 - 25 phút, những trích đoạn gắn với cao trào, hoặc những phần lãng mạn nhất, của mỗi vở diễn vẫn luôn dễ thu hút người xem. Và ở hướng ngược lại, đó cũng là những phân đoạn khó nhất, đòi hỏi các diễn viên phải có sự tập trung cao độ để thể hiện cũng như "bắt nhịp" với yêu cầu của lớp diễn, thay cho việc có thời gian nhập cuộc và phát triển tâm lý trong một vở diễn dài 90 phút.
Như thế, nói không sai, bên cạnh việc tạo cơ hội học hỏi và nâng cao năng lực cho các diễn viên trẻ, liên hoan này còn có ích ngay với những gương mặt đã thành danh - khi đó là dịp để họ thể hiện kinh nghiệm vốn có, cũng như tìm kiếm những sáng tạo ở kỹ năng biểu diễn, thậm chí là xây dựng kịch bản hay thủ pháp dàn dựng.
Bởi, bên cạnh những trích đoạn sân khấu kinh điển của Việt Nam như: Xúy Vân giả dại, Thị Mầu lên chùa (chèo), Đổng Kim Lân qua đèo, Phàn Định Công đề cờ (tuồng)..; hay của thế giới như: Othello, Vua Lear, Medea, Lôi vũ (kịch nói)…, thì ở cuộc chơi này, không ít đơn vị đã dụng công đầu tư, dàn dựng hẳn những trích đoạn sân khấu đặc biệt để mang tới dự thi.
Chẳng hạn, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng trích đoạn Bình Lệ Nguyên về trận đánh lớn đầu tiên của vua tôi nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông trong lịch sử, đơn vị xã hội hóa là sân khấu Song Việt dựng trích đoạn Cám dỗ vương quyền, trong khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam đầu tư tiết mục Cúc ơi về 10 cô gái tại ngã ba Đồng Lộc…
Sân khấu Việt Nam trong dăm năm qua về cơ bản vẫn đang gặp khó khăn trong nhiệm vụ đi tìm khán giả cho mình. Và cũng không ai tin, một liên hoan như thế này sẽ là cú hích để lập tức đưa nó trở lại thời hoàng kim từng có. Nhưng, những nỗ lực gắn với liên hoan chắc chắn cũng sẽ mang lại thêm sự tự tin, cũng như nuôi dưỡng lòng yêu nghề, để đội ngũ những người sáng tạo tiếp tục hành trình trước mặt…
Tags