Góc nhìn 365: Để nghệ sĩ đích thực là… nghệ sĩ

Thứ Ba, 28/02/2023 20:26 GMT+7

Google News

"Hai từ nghệ sĩ rất lớn lao, tự hào và đáng được trân trọng. Nhưng nó như con dao đa sự làm nghệ sĩ chúng ta thành ảo tưởng, nếu không biết tôn trọng và bảo vệ chính mình, bảo vệ đồng nghiệp". Đó là nhận xét thẳng thắn của một đạo diễn tại hội thảo Văn hóa ứng xử của Nghệ sĩ với công chúng, diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 27/2.

Như chia sẻ từ phía đơn vị tổ chức  - Hội nghệ sĩ sân khấu Hà Nội - hội thảo diễn ra trong bối cảnh dư luận gần đây liên tục ồn ào với nhiều vụ việc liên quan tới nghệ sĩ.

Điểm lại, đó là những câu chuyện về nạn quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ, về những sự xúc phạm, miệt thị, đe dọa lẫn nhau do mâu thuẫn cá nhân, về chuyện nghệ sĩ sa vào cờ bạc, lô đề...

Rộng hơn, đó còn là những nhóm nghệ sĩ đang say sưa với những chùm tiểu phẩm pha trò một cách lố bịch và dễ dãi, gây bất bình với khán giả và ảnh hưởng tiêu cực tới cả giới làm nghề.

Góc nhìn 365: Để nghệ sĩ đích thực là… nghệ sĩ - Ảnh 1.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ. Nguồn: Báo Hànộimới

Không khó để đưa ra nhận xét đúng/sai - hay chỉ trích, đánh giá nghệ sĩ sau những vụ việc ấy. Nhưng, "chiếm sóng" khá nhiều tại hội thảo vẫn là câu hỏi: Vì sao, nhiều người trong số họ lại để xảy ra những hiện tượng này?

Lòng tham, cũng như sự cám dỗ từ hoàn cảnh, chỉ là bề nổi. Rất nhiều ý kiến chỉ rõ: Một lượng lớn nghệ sĩ chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chưa thấy được mối quan hệ giữa người nghệ sĩ - công dân nên thường để cho sự bốc đồng và xúc cảm cá nhân chi phối.

Hoạt động nghệ thuật luôn mang tính đặc thù, đòi hỏi sự sáng tạo và cá tính của nghệ sĩ. Nhưng ở hướng ngược lại, khi quá chạy theo cái tôi của mình với những cảm tính nhất thời - thậm chí chạy theo tâm lý, xu hướng của đám đông - không ít nghệ sĩ cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ năng ứng phó, để rồi chỉ sực tỉnh sau khi bị đẩy đi quá xa từ những vụ việc vốn đơn giản.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều nghệ sĩ lớn của ngành sân khấu đã rất có ý thức gìn giữ hình ảnh của mình từ những việc nhỏ như quảng cáo. Đơn cử, như lời kể của tác giả Nguyễn Hiếu, NSND Lan Hương vốn rất ngại ký các hợp đồng quảng cáo. Nếu vì quá nể, không đừng được, chị luôn xin phép dùng thử sản phẩm được đề nghị, sau một thời gian mới quyết định. Hoặc, cố NSND Anh Tú khi còn là diễn viên từng tham gia quảng cáo thuốc xịt mũi, nhưng khi nhận vị trí quản lý thì lập tức dứt khoát từ chối bất cứ hợp đồng quảng cáo nào.

Lao động nghệ thuật là hành trình nghiệt ngã, đòi hỏi sự khổ luyện của người nghệ sĩ để tạo ra những giá trị cao quý nhất cho xã hội. Và như thế, khi đã chọn đảm nhận thiên chức ấy, rõ ràng mỗi nghệ sĩ cũng cần tự đứng vững trước những "lằn ranh" mong manh của cám dỗ, của cảm xúc nhất thời. Bởi, thước đo về đạo đức của nghệ sĩ luôn bắt đầu từ lời nói, hành động, văn hóa ứng xử - và cao hơn cả là việc ý thức được trách nhiệm của mình trước công chúng và xã hội.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›