(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần trước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa chính thức kỉ niệm 65 năm ngày thành lập.
Đó không chỉ là sự kiện mang tính “lễ lạt” của một đơn vị có thâm niên cao nhất trong bộ môn nghệ thuật này. Xa hơn, cột mốc ấy là cơ hội để chúng ta nhìn lại lịch sử và dòng chảy của xiếc – bộ môn nghệ thuật hiện đại du nhập vào Việt Nam và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa nghệ thuật bây giờ.
Cụ thể, những ghi chép để lại cho thấy nhiều gánh xiếc hiện đại bắt đầu tới Việt Nam biểu diễn vào đầu thế kỷ XX, trong đó có các nhóm của Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Mexico, Philippines, Ấn Độ...
... Để rồi, trước sự xuất hiện ồ ạt của xiếc phương Tây, đến lượt các gánh xiếc Việt được học hỏi kinh nghiệm và ra đời như gánh Andre Thận ở Sa Đéc (1917), gánh xiếc Năm Tú ở Mỹ Tho (1918), Tân Nam Việt ở Sài Gòn (1922) hay xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển ở Hà Nội (1922).
Đặc biệt, tháng 12/1922, xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển đã công diễn tại chợ Hàng Da, mở đầu cho trào lưu xiếc bản địa có quy mô lớn trên sân khấu tròn, với dàn diễn viên quy mô và có đủ các voi, hổ, gấu, ngựa... và tạo dựng một thời kỳ mới cho xiếc Việt Nam hiện đại.
Và, khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, năm 1956, chính nghệ nhân Tạ Duy Hiển và một số thành viên của các gánh xiếc khác đã cùng tập hợp lại trong đội xiếc Trung ương - tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sau này. Bên cạnh việc phục vụ khán giả trong nước, xiếc Việt Nam cũng dần vươn ra quốc tế chỉ 6 năm sau đó, với một số chuyến biểu diễn tại Trung Quốc, Liên Xô, Mông Cổ và các nước Đông Âu.
***
Đến giờ, thời hoàng kim của xiếc vẫn được cho là những năm những năm 70, 80 thế kỷ trước, khi mà nghệ thuật xiếc Việt Nam đã có lực lượng kế thừa chín muồi về tài năng, được đào tạo bài bản từ Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhưng cũng phải nói thêm, đó là giai đoạn chúng ta chưa thật sự hội nhập, và nghệ thuật xiếc luôn là một món ăn đặc biệt được người xem ngóng chờ.
Để rồi, cùng với những bộ môn khác của ngành sân khấu, cơn khủng hoảng với xiếc đến rất nhanh vào những năm 2000, khi nó thất thế trong cuộc cạnh tranh cùng những loại hình giải trí hiện đại. Nhất là, với tư duy được tạo ra từ hàng chục năm trước, khán giả Việt vẫn quen với cách nghĩ rằng xiếc là thứ nghệ thuật dành cho trẻ con, còn người lớn thì không.
Đã có rất nhiều câu chuyện về sự tụt dốc, lạc hậu của ngành xiếc, cũng như nỗi vất vả của những nghệ sĩ trong thời điểm ấy. Sự thực, dù chưa phải “kinh đô” của khu vực, xiếc Việt Nam cũng vẫn có những sự ổn định và phát triển về nghệ thuật - mà điển hình là hàng loạt huy chương quốc tế mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận về trong những cuộc liên hoan quốc tế.
Bài toán của xiếc, trong giai đoạn hội nhập ấy, là sự đổi mới không chỉ về kỹ thuật cơ bản mà còn ở sự tươi mới, cuốn hút về cách kể chuyện, cũng như đa dạng hóa về thị phần người xem. Nói cách khác, đó là câu chuyện về tư duy dàn dựng và đẩy mạnh vai trò của người đạo diễn.
Bởi thế, nếu nhìn lại 5 năm vừa qua, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy xiếc Việt đang “mày mò” thử nghiệm nhiều đến vậy. Cụ thể, nếu Gala Xiếc Quốc tế 2016 (tổ chức tại Hà Nội) đánh dấu việc các chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam lần đầu tiên được biểu diễn trên nền opera và nhạc thính phòng thì liên tục trong những năm sau, hàng loạt chương trình xiếc có nội dung xuyên suốt theo những câu chuyện cổ tích, kỳ ảo cũng lần lượt xuất hiện.
Và gần nhất, chỉ vài tháng trước sinh nhật tuổi 65, Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại ra mắt “Cây gậy thần”, một vở diễn vô cùng đặc biệt khi được kết hợp với nghệ thuật cải lương và hướng tới đối tượng là… cả trẻ em cũng như người lớn.
Có nghĩa, như mọi loại hình nghệ thuật sân khấu khác, xiếc Việt Nam cũng đang cố gắng thay đổi, để xác lập vị trí của mình trong một giai đoạn mới của xã hội. Nỗ lực đặc biệt ấy luôn cần được trân trọng và tạo điều kiện bằng những cơ chế hỗ trợ đặc thù, để dòng chảy của xiếc Việt vẫn được tiếp nối và trân trọng, như những gì mà nó từng mang lại trong hơn 1 thế kỷ qua.
Trí Uẩn
Tags