Những lễ khai giảng trên toàn quốc gắn với năm học mới 2023 - 2024 đã qua đi. Vậy nhưng, dư âm của nó vẫn còn lại, khi nhiều clip và hình ảnh của các học sinh khiếm thính đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Ở phía Bắc, đó là chuyện của trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (Hà Nội) - nơi có gần 300 học sinh khiếm thính đang theo học. Trong lễ khai giảng ngày 5/9, thay vì ngân vang lời hát của bài Quốc ca, các em đứng nghiêm, hướng lên lá cờ Tổ quốc và "hát" bằng ngôn ngữ riêng của mình - ngôn ngữ cử chỉ - qua đôi bàn tay.
Ở phía Nam, tại trường Hy Vọng (quận 6, TP.HCM) - ngôi trường chuyên biệt với nhiệm vụ giáo dục trẻ khuyết tật nghe nói và khuyết tật trí tuệ - cảnh tượng tương tự cũng diễn ra. Không chỉ hát Quốc ca, các học sinh tại đây còn biểu diễn một số tiết mục văn nghệ bằng ngôn ngữ cử chỉ của mình.
Thực tế, việc các học sinh hát Quốc ca "bằng tay" - như cách gọi của báo giới - không mới. Đều đặn hàng năm, vào dịp khai giảng, nó vẫn xuất hiện không chỉ ở 2 nơi này mà còn ở một số trường học - hoặc cơ sở giáo dục - có trẻ khiếm thính tại Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Không mới, nhưng những gì được chứng kiến vẫn luôn khiến độc giả có sự sẻ chia và xúc động. Nhất là khi chúng ta dần biết thêm về những câu chuyện đằng sau sự xuất hiện của bản Quốc ca "hát" bởi học sinh khiếm thính.
Chẳng hạn, như những gì được chia sẻ, nhiều năm trước, việc "dịch" bài Quốc ca ra ngôn ngữ cử chỉ được khởi xướng từ một giáo viên tại phía Nam, với mong muốn giúp các học sinh khiếm thính vẫn có thể hát Quốc ca theo cách của mình. Từ bản ký hiệu ban đầu, Viện Khoa học Giáo dục đã chỉnh sửa, biên tập để hoàn thiện và phổ biến thống nhất một bản Quốc ca dành cho người khiếm thính tới cộng đồng. Để rồi, đã có những trường học - như trường Xã Đàn - áp dụng hình thức này trong lễ khai giảng từ hơn chục năm qua.
Hoặc, cũng theo lời người trong cuộc, việc dạy hát Quốc ca tập thể bằng ngôn ngữ cử chỉ cho học sinh khiếm thính không hề đơn giản, bởi yêu cầu về sự đồng bộ và trang trọng trong động tác. Do vậy, các giáo viên thường phải bỏ công hướng dẫn cụ thể từng em một. Còn như tâm sự của các phụ huynh, có những em đã tập thêm ở nhà suốt nhiều ngày trước khi chính thức tham gia một buổi hát Quốc ca ở trường.
Không chỉ được dư luận đón nhận trong phạm vi ngành giáo dục, câu chuyện "hát Quốc ca bằng tay" đã dần mở rộng biên độ ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác. Đơn cử, vài năm trước, nhà sử học Dương Trung Quốc từng lấy nó để so sánh với việc nhiều "người lớn" vẫn ỷ lại sử dụng bản ghi âm có sẵn - để rồi hoặc không hát, hoặc mấp máy môi một cách qua loa - khi thực hiện nghi thức chào cờ.
Còn trong dịp khai giảng năm nay, một lần nữa, hình ảnh những học sinh đưa cánh tay phác họa lời hát của bản Quốc ca - thay cho giọng hát không thể cất lên - lại làm chúng ta thấy ấm lòng. Bởi, không cần những báo cáo thành tích trong lễ khai trường, chính các em vẫn cho thấy ý thức công dân và tình yêu Tổ quốc luôn là một khởi đầu tuyệt vời để mang lại niềm tin cho một năm học mới.
Tags