Một sự kiện quan trọng với người dân TP.HCM vừa diễn ra cuối tuần qua, khi vào ngày 10/8 hầm chui dài hơn 400 mét tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn vừa khánh thành.
Chỉ là một tuyến hầm chui đi qua ngã tư - loại công trình đã xuất hiện nhiều tại TP. HCM và các đô thị trên cả nước - nhưng nói không sai, đây là cột mốc đã được người dân thành phố chờ đợi bao lâu nay khi nó gắn với một "ám ảnh" nặng nề: kẹt xe tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Nếu từng đi lại trên những con đường xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay duy nhất hiện nay của TP.HCM và là sân bay chủ chốt của khu vực phía Nam - hẳn bạn sẽ thấy: Bất kể giờ cao điểm hay không, khu vực cửa ngõ này vẫn chật kín xe cộ, nhiều lúc di chuyển rất khó khăn. Và dù có đang mùa nắng gắt hay mưa dầm, dù là tài xế hay người ngồi trên xe, cảm giác chung của bạn luôn gắn với một từ... khổ sở!
Đối với những hành khách sắp sửa có chuyến bay ở Tân Sơn Nhất, việc vừa liếc đồng hồ, vừa nhích từng mát để vượt qua dòng xe cộ dẫn vào sân bay nhiều khi cũng hồi hộp gay cấn không khác gì phim hành động.
Bởi thế, biết có chuyến bay sớm, nhà lại ở xa, có hành khách cònchọn nghỉ qua đêm tại những khách sạn gần sân bay để di chuyển cho kịp giờ. Để rồi, nếu chuyến bay đổi lịch đột ngột, phần lớn trong số họ cũng không dám tranh thủ ra khỏi khu vực này để "xả hơi" mà vẫn tiếp tục ngồi chờ thêm nhiều tiếng tại khách sạn, vì không muốn mạo hiểm với cảnh tắc đường quanh sân bay.
Cứ thế, bao năm nay một số con đường quanh sân bay đã trở thành một "con đường thiên lý", một "niềm đau chôn giấu" không chỉ với hành khách mà còn với bất kỳ dân công sở hay người giao hàng nào phải đi qua đây vào giờ tan tầm.
Còn bây giờ, hầm chui đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn được thông xe chỉ là bước khởi đầu. Nó gắn với cả một trục đường mới từ Trần Quốc Hoàn tới đường Cộng Hòa, đang được hoàn thiện. Tuyến đường mới ấy có ý nghĩa không chỉ với các bác tài mà còn cả với tâm lý và kinh tế của cả cộng đồng, khi người dân có thể tiết kiệm được thời gian quý báu cũng như đảm bảo sức khỏe.
Và trong tương lai, theo quy hoạch, nhiều tuyến giao thông mới, bao gồm cả đường trên cao và đường sắt đô thị, cũng sẽ được mở ra tại đây, để lối vào sân bây Tân Sơn Nhất sẽ thênh thang hơn. Đó là nỗ lực rất lớn của thành phố, trước sự mong mỏi được giảm bớt áp lực giao thông và cả áp lực tinh thần cho người dân.
Bản thân người viết cũng nằm trong số những người "lười bay" mấy năm qua. Lười bay không phải vì sợ độ cao, mà bởi ngại quãng thời gian mà một chuyến bay ngốn mất của mình, trong đó quãng đường từ nhà tới sân bayluôn tiềm ẩn nhiều... ngao ngán.
Nhưng bây giờ, hầm chui thông xe và đường mới sắp hoàn thành, biết đâu mình sắp tới cũng nên thử đặt một chuyến bay đến đâu đó, để xem "bệnh lười bay" liệu còn lại bao nhiêu, trong sự phát triển và chuyển biến của thành phố?
Tags