Góc nhìn 365: 'Gặp lại' phố đi bộ Hồ Gươm

Thứ Năm, 24/03/2022 06:57 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, phố đi bộ Hồ Gươm tại Hà Nội đã chính thức hoạt động trở lại sau gần một năm phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Hà Nội: Phố đi bộ Hồ Gươm mở cửa sau 5 tuần tạm dừng

Hà Nội: Phố đi bộ Hồ Gươm mở cửa sau 5 tuần tạm dừng

Tối 12/3/2021, phố đi bộ khu vực Hồ Gươm đã mở trở lại đón khách.

Ngay trong buổi tối thứ Sáu đầu tiên, chúng ta đã thấy những dòng người đổ về đây khá nhiều - để rồi trong suốt 2 ngày tiếp sau, khu vực quanh Hồ Gươm gần như đã tìm lại sự sôi động và tấp nập trước dịch.

Vài ngày trước đó, Hà Nội cũng vừa cho phép các cửa hàng dịch vụ, quán ăn trong thành phố được phép hoạt động bình thường, thay vì phải đóng cửa vào 21 giờ. Như thế, thành phố đang phần nào tìm lại sức sống cho nền “kinh tế đêm” ở khu vực trung tâm.

Vẫn là biểu diễn nghệ thuật đường phố, vẫn là các hoạt động vui chơi của giới trẻ, vẫn là phần âm nhạc truyền thống được biểu diễn tại các điểm di tích liền kề. Cảnh tấp nập tại phố đi bộ Hồ Gươm xem ra không hề khác trước, ngoại trừ những chiếc khẩu trang trên khuôn mặt của mọi người.

Chú thích ảnh
Gia đình trẻ dạo chơi phố đi bộ hồ Gươm mới được hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Thực tế, ngoài việc đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn trước khi vào đây, du khách còn được yêu cầu quét mã QR để khai báo thông tin. Tuy nhiên, theo thông tin từ quận Hoàn Kiếm, việc quét mã khai báo - cũng như giữ khoảng cách cần thiết với người xung quanh - tại đây đang được kiến nghị lược bỏ để phù hợp với bối cảnh mới.

Điều ấy cho thấy một thực tế: Sau đại dịch Covid-19, việc duy trì một không gian cộng đồng dành cho các hoạt động văn hóa của thành phố đang điều cấp thiết. Nó gắn liền với sự háo hức mà tấp nập mà chúng ta vừa chứng kiến từ cộng đồng khi dồn về Hồ Gươm, sau những tháng dài phải... ngồi nhà trong dịp cuối tuần. Và cũng gắn với khẳng định của nhiều chuyên gia rằng, bên cạnh chức năng giải trí, không gian đi bộ ấy còn đáp ứng một nhu cầu rất quan trọng của con người trong nhịp sống hiện đại: Nhu cầu gặp gỡ và giao tiếp.

***

Sau hơn 5 năm tồn tại kể từ khi được tổ chức vào 2016, phố đi bộ Hồ Gươm ngày càng trở nên quen thuộc với người Hà Nội. Trong hơn 5 năm ấy, nhiều gia đình đã có thói quen tới đây trong dịp cuối tuần, nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng đã lập tức nghĩ tới Hồ Gươm như lựa chọn đầu tiên để làm nơi tổ chức.

Chú thích ảnh
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Và ở hướng ngược lại, việc tổ chức phố đi bộ Hồ Gươm cũng dần có thêm sự bài bản và chuyên nghiệp - khi nhiều tiện tích về cây xanh, chiều sáng, trang trí không gian... được bổ sung, nhiều tuyến phố cổ liền kề được chuyển thành phố đi bộ, còn một số công trình không phù hợp như màn hình quảng cáo cỡ lớn hay đồng hồ hoa Thụy Sĩ đã được di chuyển khỏi khu vực này.

Rồi, xa hơn, trong tương lai, như lời khẳng định của các chuyên gia, khu vực Hồ Gươm chắc chắn sẽ mở rộng chuỗi ngày đi bộ lên 24/7, nghĩa là trở thành một phố đi bộ vĩnh viễn. Các hoạt động văn hóa và tiện ích hỗ trợ cũng sẽ dần được tiếp tục bổ sung để biến nơi đây thật sự thành một không gian sạch và xanh của văn hóa - trong đó có cả sự xuất hiện của tuyến tàu điện ngầm với khả năng giúp du khách và người dân thành phố có thể dễ dàng tới đây, thay vì phải sử dụng phương tiện cá nhân.

Những gì diễn ra với phố đi bộ Hồ Gươm vừa là chỉ số về sự phát triển trong nhu cầu thụ hưởng văn hóa của cộng đồng, vừa là sự tất yếu của đô thị đã phát triển tới một mức độ nhất định. Và, dù Hà Nội đã có thêm những tuyến phố đi bộ ở phố cổ, ở đường Trịnh Công Sơn và sắp tới là khu vực thành cổ Sơn Tây, cũng chẳng lạ khi khu vực đi bộ quanh Hồ Gươm vẫn thu hút chúng ta nhiều nhất. Bởi, với vị trí, vai trò và lịch sử sẵn có, không gian này vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên trong tâm thức cộng đồng.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›