Một thông tin đặc biệt đang xuất hiện trên mặt báo và không gian mạng, gắn với cách xử phạt tại trường phổ thông trung học Bùi Thị Xuân (TP.HCM).
Theo đó, từ tháng 4 vừa qua, các học sinh vi phạm nội quy tại trường không còn chịu các hình thức kỷ luật như làm tường trình hay dọn vệ sinh chung, thay vào đó, cuối buổi chiều, các em phải xuống thư viện trường đọc sách, viết và nộp bài cảm nhận.
Như chia sẻ, đã có khoảng 20 học sinh của trường thực hiện hình thức này, với các đầu sách được định hướng lựa chọn: Hạt giống tâm hồn, Người con hiếu thảo.
Đã có những tranh luận ngắn diễn ra quanh hình thức xử phạt này. Không khó để nhận thấy những ưu điểm của nó: Tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện khả năng cảm thụ văn học, phần nào khơi dậy sự trân trọng với giá trị tình cảm và đạo đức từ các đầu sách được chọn. Và đặc biệt, nó cũng phần nào mở ra một cách tiếp cận mới để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Nhưng với nhiều người, hiệu quả của biện pháp giáo dục ấy sẽ phải chờ thẩm định - khi ít nhiều, các em học sinh trong câu chuyện được tiếp cận với sách theo hình thức cưỡng bách. Và có thể, ở nhiều học sinh vốn chưa mặn mà với sách, việc gắn chúng cùng một hình thức kỷ luật sẽ khiến "hình phạt" này được thực hiện nặng về hình thức. Xa hơn, màu sắc tiêu cực ấy sẽ càng được in đậm trong tâm trí các em, thay vì coi đọc sách là một thói quen tốt bắt nguồn từ sự tự nguyện.
Riêng ở người viết, câu chuyện tại trường Bùi Thị Xuân gợi nhớ tới hình thức"viết thu hoạch" tại một số thư viện dành cho học sinh trong quá khứ. Khi đó, theo nội quy, học sinh mượn sách về nhà được yêu cầu làm một bản thu hoạch (ghi lại cảm nhận của mình về một trong các cuốn sách đã mượn) và nộp lại khi trả sách cho thư viện. Thực hiện nghiêm túc được vài lần, dần dần nhiều người - trong đó có cả người viết - mang tâm lý cẩu thả, viết bừa hoặc chép của nhau, bởi không có ai kiểm tra hoặc phản hồi về chất lượng của bản thu hoạch.
***
Kể chuyện cũ để nói một thực tế: Tưởng đơn giản, nhưng những gì với văn hóa đọc - và sự thẩm thấu từ trang sách - của trẻ em không dễ chỉ giải quyết theo những cách tiếp cận đơn lẻ hoặc bằng mệnh lệnh. Đó nên là một hệ thống của những giải pháp đồng bộ, bền vững và... nhẹ nhàng - để ít nhất, việc đọc sách được thực hiện một cách tự nguyện ở các em, trước khi "bén rễ" và trở thành thú vui, sở thích.
Thực ra, không khó để hình dung về những giải pháp hữu hiệu trong việc khuyến khích văn hóa đọc tại trường học. Đơn cử, ngay với ví dụ tại trường Bùi Thị Xuân, thay vì sự thúc ép với một số học sinh phạm quy, nhà trường hoàn toàn có thể khuyến khích nhiều học sinh cùng đọc sách, viết bài cảm nhận và được thẩm định kết quả như một hoạt động ngoại khóa, thậm chí là bổ sung cho việc đánh giá học lực của các môn Văn hay Giáo dục công dân.
Hoặc xa hơn, các chuyên gia về giáo dục cũng từng nhắc tới việc thư viện tại các trường học nên được tổ chức như một không gian cộng đồng thân thiện và nhiều sắc màu, để thu hút học sinh cùng tới đó sinh hoạt, giao lưu bên cạnh việc đọc sách. Thậm chí, nếu có điều kiện, bản thân các thư viện trong trường cần được đặt tại những vị trí trung tâm, thay cho sự khiêm tốn và khuất nẻo vốn đang tồn tại ở nhiều nơi.
Đó là những việc khả thi trước mắt, dù chắc chắn sẽ tốn thời gian và công sức hơn so với chuyện đưa học sinh đến với sách như một hình thức xử phạt. Còn về lâu dài, chúng ta cũng cần chấp nhận một thực tế: Phát triển văn hóa đọc là một chiến lược cần được đầu tư kiên nhẫn và bền vững về thời gian, kinh tế và tâm lực. Nó không thể là câu chuyện chỉ giải quyết trong một sớm một chiều.
Tags