(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang chuẩn bị đón một ngày 20/11 đặc biệt, khi rất nhiều đô thị trên cả nước vừa trải qua một giai đoạn khá căng thẳng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Ở đó, tại rất nhiều trường học, suốt vài tháng nay, các giáo viên và học sinh vẫn chưa có dịp gặp nhau kể từ ngày khai giảng - nếu không tính tới những cuộc gặp “ảo” trong giờ học online.
Và cũng vì lý do giữ an toàn trong mùa dịch, nhiều sở giáo dục hoặc các trường học tại một số tỉnh, thành phố vừa qua đã thông báo xin phép không tổ chức tiếp khách và nhận hoa chúc mừng trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam của năm nay.
Như thế, không khó để thấy trước, nhiều lễ kỷ niệm trong ngày 20/11 tới sẽ diễn ra theo hình thức online - giống như chúng ta đã có hàng loạt lễ khai giảng online cho năm học đặc biệt này.
Nhưng, nếu thử vào các group facebook của học sinh (và cả phụ huynh) trong dịp này, chúng ta sẽ thấy một câu chuyện thú vị: rất nhiều người vẫn đang bàn nhau về “giải pháp” tặng hoa cho giáo viên - những người mà học sinh hoặc các bậc cha mẹ thậm chí còn chưa gặp trực tiếp (chứ chưa nói tới biết địa chỉ nhà riêng) kể từ đầu năm học.
Chẳng có gì lạ. Từ lâu, bên cạnh lễ kỷ niệm do nhà trường hoặc ngành giáo dục tổ chức, các phụ huynh vẫn mặc định giữ thói quen nhất định phải tìm gặp giáo viên trong ngày Nhà giáo, để thay mặt con em mình gửi tặng họ một bó hoa, kèm theo chút quà. Tạm thời bỏ qua sự chi phối của tâm lý thực dụng, rõ ràng với rất nhiều người Việt, việc được trực tiếp tri ân thày cô giáo mới là đủ trang trọng và lịch sự - nhất là trong cái ngày xã hội đang nói về họ bằng tất cả các mỹ từ.
Sẽ rất khó để đánh giá trọn vẹn sự đúng – sai của những gì đã trở thành quán tính. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, với các giáo viên, việc kỷ niệm “online” không phải là thay đổi duy nhất ở một năm học đang gặp quá nhiều thứ chưa có trong tiền lệ.
Khai giảng online rồi dạy học online, đội ngũ “chở chữ cho đời” đồng thời cũng phải chịu đựng những hệ lụy của dịch Covid-19 như học sinh, phụ huynh và tất cả mọi thành phần khác trong xã hội. Có nghĩa, mỗi người vừa phải thích ứng với những điều kiện sinh hoạt và làm việc mới, vừa phải tự bảo vệ bản thân trước bệnh dịch – và cuối cùng, phải tự xoay sở với chuyện cơm áo gạo tiền trong cuộc thay đổi này.
Bởi thế, chúng ta có thể thấy cả một bức tranh đa màu sắc quanh câu chuyện của các giáo viên trong một năm qua. Ở đó, có những chuyện đáng trân trọng - khi những giáo viên lớn tuổi phải mày mò làm quen với mạng internet và các phần mềm để dạy. Có những câu chuyện vừa khó xử vừa ngậm ngùi - khi nhiều phụ huynh được các cô giáo “chào hàng” cho những nghề tay trái như bán đồ ăn, quần áo, bảo hiểm. Và, có cả những chuyện bi hài, như lời những cô giáo kể về sự lúng túng khi được phụ huynh “hồn nhiên” hỏi số tài khoản cá nhân để “chúc mừng ngày Nhà giáo” trong vài ngày gần đây.
Và vượt lên trên hết, trong cái bóng của bệnh dịch, các thầy cô giáo vẫn có những câu chuyện làm chúng ta kính trọng và xúc động. Đó là trường hợp của hai cô giáo Hà Thị Kim và Hà Thị Dung (trường Tiểu học Tri Lễ 1, Nghệ An) đã tình nguyện theo chân hơn 50 học sinh của mình vào khu cách ly tập trung trong suốt 2 tuần lễ, khi các em không may trở thành F1.
***
Kể tất cả những chuyện ấy, chỉ để nói một điều đơn giản: các thầy cô giáo cũng là những con người, cùng đang cùng đồng cam cộng khổ với xã hội trong một năm lao đao vì dịch bệnh. Và, bên cạnh những lời chúc mừng - đôi khi trở thành khuôn sáo và hình thức – họ cũng cần được chia sẻ, cảm thông để có thể hoàn thành thiên chức của mình một cách trọn vẹn.
Trong bệnh dịch, không có hoa cũng không sao - nếu sự trân trọng từ đáy lòng của chúng ta với các thầy cô lại có thêm phần cảm thông, chia sẻ cần thiết ấy.
Trí Uẩn
Tags