Một thông tin khá thú vị: Bộ VH,TT&DL vừa ra quyết định công bố thêm 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong số này, Hà Nội có di sản "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường", thuộc các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất.
Nếu ít chú ý tới đời sống văn hóa, hẳn nhiều người sẽ có phần ngỡ ngàng khi biết rằng Hà Nội cũng sở hữu di sản mang tên Mo Mường. Bởi, trong cách nghĩ chung, loại hình văn hóa - tín ngưỡng này vẫn mặc định được coi là gắn với đời sống truyền thống của đồng bào Mường ở các tỉnh vùng cao Bắc Bộ.
Nhưng thực tế, từ rất sớm, các kết quả nghiên cứu đã cho thấy Hà Nội là một trong 7 tỉnh, thành phố trên cả nước có di sản Mo Mường, bên cạnh Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa và Đắk Lắk. Riêng 2/3 huyện gắn với di sản này của Hà Nội là Thạch Thất và Ba Vì cũng là những điểm tập trung nhiều đồng bào dân tộc Mường nhất trên thành phố.
Đặc biệt, từ 7 năm trước - năm 2016, đề án "Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội" cũng đã có những kiểm kê chuyên biệt về Mo Mường, với những tên gọi khác nhau theo từng nơi như: Bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì); Tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai); Nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, (huyện Thạch Thất).
Do vậy, từ năm 2020, khi việc xây dựng hồ sơ đề cử Mo Mường (để trình UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể này) được tiến hành, Hà Nội là 1 trong 7 địa phương cam kết tham gia chương trình. Và cho đến thời điểm hiện tại, việc khảo sát, điền dã về di sản này đã hoàn thành về cơ bản.
Đáng nói, so với lượng nghệ nhân Mo Mường khá đông ở một số địa phương khác (chẳng hạn tại Hòa Bình có 184 nghệ nhân), số lượng thầy Mo tại Hà Nội khá khiêm tốn. Theo kiểm kê năm 2016, lượng nghệ nhân Mo Mường còn đang thực hành thường xuyên tại Hà Nội chỉ có 8 người, trong đó người cao tuổi nhất đã 86 tuổi, người trẻ nhất là 28 tuổi. Tuy nhiên, theo đợt kiểm kê bổ sung năm 2022, 1 trong số 8 nghệ nhân này đã mất mà không có người kế cận nối nghiệp.
***
Nhìn lại, trong một thế kỷ qua, Mo Mường cũng là trường hợp được nghiên cứu thuộc loại nhiều nhất trong số những di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, với cả trăm công trình khoa học trong nước và quốc tế. Rõ ràng, sức hút từ hàng loạt yếu tố về tín ngưỡng, văn học dân gian, diễn xướng… đã khiến "bộ bách khoa thư về văn hóa Mường" này vượt lên những định kiến của một thời, cũng như những hạn chế đặc thù của một di sản thuộc về đồng bào thiểu số.
Để rồi, nếu Mo Mường được UNESCO ghi danh trong tương lai, rõ ràng Hà Nội cũng đang có cơ hội sở hữu thêm một di sản văn hóa phi vật thể cấp thế giới, bên cạnh những ca trù hay hội Gióng từng có trước đây.
Đó là một câu chuyện thú vị, khi mà di sản Mo Mường tại Hà Nội lại đến từ vùng đất Hà Tây cũ, vốn đã được sáp nhập vào Thủ đô từ 2008. Nó gắn với một thực tế đã được nhiều chuyên gia nhắc tới, rằng bề dày và sự độc đáo của văn hóa xứ Đoài sẽ mang thêm cho Hà Nội những giá trị mới khi hội nhập - để rồi ngược lại, tới lượt mình, Hà Nội rõ ràng cũng phải có trách nhiệm với những lớp văn hóa đặc thù ấy.
Giống như với câu chuyện của Mo Mường. Hiện tại, dù mới được vinh danh ở cấp quốc gia, di sản ấy cũng đang đặt ra những bài toán cho Hà Nội về phương thức bảo tồn gắn với cộng đồng bản địa, về gìn giữ không gian đặc thù của di sản và cả việc khai thác di sản ấy một cách nhân văn, hợp lý.
Tags