(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ còn là một chuyện riêng của giới showbiz, thông tin về việc Hoa hậu chuyển giới Hương Giang bị tẩy chay những ngày qua đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Nhất là khi, người đẹp tuyên bố rút khỏi vai trò ca sĩ biểu diễn tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 cách đây mấy ngày.
Có ý kiến cho rằng, đây là lần đầu tiên, một nghệ sĩ chính thức tuyên bố "tạm dừng hoạt động nghệ thuật" vì bị dư luận phản đối, tẩy chay mà gần như không được một tờ báo hay nghệ sĩ nào đứng ra bênh vực. Có nghĩa, câu chuyện đang xảy ra với sự hợp lý riêng của nó.
Vậy Hương Giang đã làm gì?
... Nhìn lại, mọi thứ bắt đầu từ 2 tuần trước, khi một chia sẻ trên Facebook tổng hợp lại những phát ngôn được cho là đậm màu triết lý nhưng lại trước sau bất nhất của Giang. Tiếp đó, dù diễn ra từ 2 năm trước, một clip ghi lại ứng xử được coi là chưa đẹp của cô cũng được... khai quật lại, giống như cách vẫn diễn ra trên không gian mạng với những người bị... ghét.
Để rồi, khi một group antifan của Giang xuất hiện trên mạng với lượng thành viên đăng ký lên tới 150 ngàn chỉ sau vài ngày, đến lượt cô đáp trả bằng những lời lẽ cũng vô cùng gay gắt. Không những thế, gắn với tuyên bố “làm đến cùng vụ việc theo đúng pháp luật”, clip ghi lại cảnh Hương Giang cùng một người mặc sắc phục công an đến nhà một người được cho là “antifan” để làm việc đã được tung ra.
Và tới đây, làn sóng phẫn nộ từ antifan của Giang dâng cao đến mức, một loạt chương trình (và nhãn hàng) có cô xuất hiện đã bị tấn công liên tục, để rồi mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu đi với người đẹp này.
Những sai lầm của Giang đã được nhiều người nhắc tới. Rằng, đó là việc cô có những phát ngôn "triết lý" đầy mâu thuẫn, rằng cố tình đánh đồng antifan với những người xúc phạm, vu khống, vi phạm pháp luật khi tẩy chay mình. Nhưng, còn một điều đáng được nhắc tới: Nguồn cơn để mọi thứ bắt đầu là một câu chuyện theo kiểu khá trời ơi, và giọng ca sinh năm 1991 hoàn toàn có thể kiềm chế hoặc phản ứng tốt hơn, thay vì sự gay gắt và thách thức mà cô lựa chọn.
Hiệu ứng ngược ấy, khiến những rắc rối mà Giang từng gặp, cũng như vấn đề nhạy cảm về giới tính của cô, được xâu chuỗi lại và liên tục làm bùng lên cơn phẫn nộ của những antifan theo kiểu từng bước... đổ dầu vào lửa trong những ngày qua.
Nó khiến người ta không khỏi liên tưởng đến những scandal mà nhiều người nổi tiếng từng gặp phải, để rồi ai cũng nhận ra: Trong mọi câu chuyện ấy, lựa chọn tốt nhất là nên trung thực, hoặc ít ra là im lặng. Bởi, một phản ứng sai trong cách “dập lửa” càng khiến câu chuyện có thể đi tới những quy kết về sự dối trá - “tội” mà công chúng khó chấp nhận nhất với người nổi tiếng.
- Hương Giang xin rút khỏi chương trình biểu diễn tại Hoa hậu Việt Nam 2020
- Hoa hậu Hương Giang sở hữu xe sang giá hơn 8 tỷ đồng
- Hương Giang: Muốn trở thành sao hạng A, nhanh nhất là làm Hoa hậu
Thực tế, tâm lý thông thường của đám đông thường là ưa bênh vực kẻ yếu, và phụ nữ. Và hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ tới scandal vô lễ của Hương Giang với một bậc cha chú trong nghề cách đây vài năm. Ở thời điểm ấy, dù bị cho là chậm đưa ra lời xin lỗi, những giọt nước mắt và sự run sợ rất thành thật của cô khi đối diện với truyền thông cũng đủ làm khán giả dần quên đi câu chuyện - nhất là khi, chính người bị xúc phạm cuối cùng cũng đồng ý bỏ qua và mong dư luận hãy buông tha cho cô.
Đáng buồn, Hương Giang không rút ra bài học từ câu chuyện ấy, rằng sự thẳng thắn và chân thành luôn có giá trị cao hơn bất cứ tính toán nào trong việc “dập lửa”. Bởi phía sau một cơn bão truyền thông cũng luôn tiềm ẩn những mồi lửa và cần người nổi tiếng luôn tỉnh táo để mọi thứ không bùng phát.
Trí Uẩn
Tags