Góc nhìn 365: Ký ức từ vườn hoa Con Cóc

Thứ Ba, 25/10/2022 06:30 GMT+7

Google News

Giữa dòng thời sự chủ lưu của đời sống xã hội, một sự kiện - tưởng như nhỏ - vừa diễn ra tại Hà Nội: Khu vực vườn hoa Diên Hồng bắt đầu được tiến hành cải tạo.

Góc nhìn 365: Khi Hồ Gươm chờ 'mốc 0'

Góc nhìn 365: Khi Hồ Gươm chờ 'mốc 0'

Câu chuyện về “cột mốc số 0” tại Hồ Gươm một lần nữa được quan tâm trở lại. Cụ thể, tuần qua, thông tin từ thành phố Hà Nội cho biết: lãnh đạo thành phố đã giao quận Hoàn Kiếm nghiên cứu xem xét nghiên cứu, xây dựng công trình này với các yêu cầu có tính thẩm mỹ cao, độc đáo, phù hợp với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế...

Chắc chắn, với rất nhiều thế hệ công dân tại Thủ đô, đây là một không gian của ký ức và kỉ niệm, dưới cái tên rất dân dã: vườn hoa Con Cóc. Đơn giản, trong 120 năm tồn tại, vườn hoa ấy gắn liền với Hồ Gươm - trung tâm của thành phố - và luôn trở thành nơi thư giãn, tập thể dục, dạo bộ và thậm chí là chụp ảnh cưới của cộng đồng.

Nhưng giá trị của vườn hoa Con Cóc không chỉ dừng tại đó.

Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, vàocuối thế kỷ 19, khi lên kế hoạch xây đài tưởng niệm cho Phó Toàn quyền Đông DươngChavassieux vừa qua đời, người Pháp đã quyết định chọn đặt kèm tại đây một trong những đài phun nước đầu tiên của Hà Nội, với hi vọng tạo ra một không gian làm nơi vui chơi và tổ chức lễ hội của công chúng. Để rồi, khi hoàn thành vào năm 1901 với kiến trúc mang đậm sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, tiểu sành đựng hài cốt của Chavassieux cũng được đặt trên đỉnh của trụ đá tại đài phun nước này.

Chú thích ảnh
Khu vực vườn hoa Diên Hồng bắt đầu được tiến hành cải tạo. Nguồn: Internet

Như thế, bên cạnh giá trị đặc thù của một kiến trúc cổ, vườn hoa Con Cóc còn là một chứng nhân đặc biệt của lịch sử Hà Nội. Điều ấy cũng đúng cả với cái tên gọi vườn hoa Diên Hồng được đặt bởi thị trưởng Trần Văn Lai vào năm 1945 để thay thế cho cái tên vườn hoa Chavassieux trước đó.

Dù vậy, như phân tích của các chuyên gia, trong vài chục năm trở lại đây, do những bất cập về quản lý đô thị, vườn hoa Con Cóc không có điều kiện phát huy hết vai trò của mình - mà lại chủ yếu trở thành bãi gửi xe cho người dân. Rồi, vì yếu tố thời gian, công trình xuống cấp nghiêm trọng, tới mức cách đây 2 năm, phía quản lý đã phải lấy dây thép tạm quấn quanh đài phun nước để bảo vệ.

***

Ở bối cảnh hiện tại, việc chính quyền quận Hoàn Kiếm tiến hành cải tạo vườn hoa Con Cóc đương nhiên là một tin vui với Hà Nội. Nhưng, đáng nói hơn, cách tiếp cận của dự án (với tư vấn của các chuyên gia Pháp) cho thấy sự chú trọng công năng hiện tại, cũng như sự biến đổi của đô thị, để mang lại cho di sản một màu sắc mới.

Cụ thể, một phần mặt nền tại đây sẽ lát đá tạo thành trục không gian dẫn sang phía tiền sảnh của Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ cũ), tạo cảm giác kết nối tốt giữa vườn hoa với công trình kiến trúc lịch sử này. Ngoài ra, không gian vườn hoa được cấu trúc lại để phân rõ giữa phần ngoại vi và khu vực trung tâm - trong đó một hàng rào cây xanh thấp tầng được bố trí để tạo sự an toàn giữa các điểm sinh hoạt của cộng đồng với hệ thống đường giao thông.

Cuối cùng, các vật liệu xây dựng và kĩ thuật thi công cũng được lựa chọn để thích ứng bền vững với điều kiện hiện có. (Riêng phương án trùng tu đài phun nước đang được lấy ý kiến chuyên môn để triển khai theo hướng bảo tồn nguyên dạng).

Và những gì đang được kỳ vọng ở vườn hoa Con Cóc lại khiến chúng ta nhớ tới ý kiến của giới chuyên môn. Rằng, trong lúc chờ bổ sung những công viên hay vườn hoa mới, chúng ta trước hết cần tìm cách “phủi lớp bụi thời gian” trên những không gian gắn ký ức và lịch sử của đô thị - để rồi, với một cách tiếp cận linh hoạt và hiện đại, chúng có thể phát huy trọn vẹn lớp giá trị của mình.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›