Góc nhìn 365: "Lấp đầy" phố đi bộ

Thứ Năm, 26/12/2024 07:12 GMT+7

Google News

Cuối tuần qua, người viết có dịp tới phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) - không gian được cho là đang "ế khách" kể từ khi khai trương vào dịp 10/10 vừa qua.

Nói công bằng, dù chưa tới mức vắng "như chùa Bà Đanh", nhưng không khí tại đây khá trầm lắng, khi lượng du khách xuất hiện không nhiều. Lòng đường Phạm Huy Thông - trục phố chính - gần như vắng vẻ chỉ có vài người trên vỉa hè phía ven hồ. Trong khi đó, các quán cà phê nằm san sát nhau cũng không đông khách.

Thực tế, khu phố đi bộ tại hồ Ngọc Khánh có cảnh quan khá đẹp, với tuyến đường gần 800 mét bao bọc quanh hồ.

Thêm vào đó, một số kiến trúc gắn với đèn chiếu sáng, cột hướng dẫn, trụ lan can, điểm dừng chân, tượng trang trí… tại đây được tạo hình để gợi nhớ tới dấu vết của Giảng Võ đường - vốn là nơi giảng dạy võ thuật và thao diễn quân sự ở Thăng Long xưa.

Góc nhìn 365: "Lấp đầy" phố đi bộ - Ảnh 1.

Ảnh: Sức khỏe đời sống

Nhưng mọi thứ mới dừng ở đó. "Phần lõi" hoạt động của phố đi bộ này hiện chưa có gì đáng kể, ngoài những quán cà phê và một số dịch vụ quà vặt, cho thuê xe điện.

Để so sánh, cuối tuần qua, ở một trường hợp khác là phố đi bộ Hồ Gươm, nhiều hoạt động và triển lãm kỷ niệm ngày 22/12 đã được tổ chức và thu hút một biển người đổ về.

***

Ai cũng biết, việc thiết lập một phố đi bộ không chỉ đơn thuần là … cấm xe cơ giới để dành không gian cho khách bộ hành. Tại đó, nếu những vấn đề về cơ sở hạ tầng là điều kiện, thì thứ làm nên sức sống của một phố đi bộ luôn phải là các hoạt động và dịch vụ để thu hút cộng đồng. Và những hoạt động, dịch vụ ấy lại cần gắn với tiện ích và bản sắc riêng của từng khu vực.

Không dừng ở vài kiến trúc gợi nhớ, những gì gắn với Giảng Võ đường có nên được khai thác thêm tại đây bằng chất liệu hiện đại của đời sống, với những sáng tác mỹ thuật, quầy lưu niệm, khu vui chơi? Rồi, vốn là một "phố cà phê" khá lâu năm, các tiện ích gắn với cà phê - không chỉ cho người uống mà cho cả thú tự rang, xay, pha cà phê - có thể được tính đến?

Hoặc, theo kế hoạch, vào năm 2027, ga metro Kim Mã của tuyến đường sắt đô thị số 3 cũng sẽ được khánh thành, với vị trí chỉ cách phố đi bộ này chừng 200 mét. Vậy, từ bây giờ, đã cần sớm tìm giải pháp kết nối với ga ngầm này - và cả với trung tâm thương mại Lotte Center liền kề - để tận dụng lợi thế về giao thông ấy?

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều gợi mở để lựa chọn "lấp đầy" phố đi bộ tại hồ Ngọc Khánh bằng các hoạt động và tiện ích, để mang lại cho không gian này sự sinh động cần thiết.

Và dù chúng ta có thể thông cảm với những phố đi bộ vừa khai trương trong một thời gian ngắn - cũng như đồng tình về sự cần thiết của chúng trong việc tạo nên màu sắc đa dạng cho những không gian công cộng của thành phố - thì cũng cần khẳng định: Việc thiết lập phố đi bộ chỉ là điểm mở đầu cho bài toán tiếp theo, để duy trì và tạo lập bản sắc riêng của những không gian này.

Trí Uẩn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›