(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về những gánh hàng rong trên đường phố bỗng trở nên đặc biệt nóng trong mấy ngày qua, khi một MC truyền hình lỡ lời sử dụng cụm từ “ký sinh trùng” để nói về những người lao động này.
Nhưng, bỏ qua sự lỡ lời ấy, hãy nhìn sang một câu chuyện khác: hàng rong đã, và đang ở đâu trong những đô thị của chúng ta?
Hàng rong, như cách gọi của nó, chính là những người mang hàng đi “rong” để bán từ phố này qua nơi khác. Họ như một dòng chảy liên tục, len lỏi vào đủ các ngóc, ngách, ngõ, hẻm với những gánh hoa, rau, quả, đồ ăn vặt... và chỉ dừng lại chốc lát khi có người gọi mua hàng.
Ra đời từ nhu cầu của những thị dân, không có gì khó hiểu khi hàng rong xuất hiện rất sớm tại các đô thị cổ của Việt Nam. Đơn cử, khi viết cuốn Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII, học giả Samuel Baron (Hà Lan) đã nhắc tới những gánh hàng rong này, kèm theo một chú giải khá sắc sảo: Đất Thăng Long có nhiều chợ nhưng những gánh hàng rong vẫn có chỗ tồn tại. Bởi, họ đến từ những nơi khác, không thể mở cửa hàng ở các phường nghề như người bản địa - mà thay vào đó là đi khắp nơi để bán các sản vật do chính mình làm.
Tồn tại suốt nhiều thế kỷ, quen thuộc với bất cứ thị dân nào bởi nhịp điệu chậm rãi của mình, chẳng có gì lạ khi hàng rong dần đi vào vô thức của mỗi người và được coi như một biểu trưng cho sự mơ hồ, lãng mạn từng có ở những đô thị cũ. Và nhất là khi chúng được cách điệu để xuất hiện trong đủ cả văn, thơ, nhạc, họa... , với hình ảnh quen thuộc của những cô gái gánh hàng với tà áo nâu hoặc chiếc xe đạp chở hoa đủ mọi màu sắc theo mùa.
Chỉ có điều, người ta vẫn nhìn về những hình ảnh ấy với một sự hoài cổ quanh nhịp sống chậm rãi ở đô thị cũ. Và vì hoài cổ, những gánh hàng ấy lại càng đẹp, bởi dường như chúng không gắn với sự lộn xộn, bát nháo như bây giờ.
Chẳng phải chờ đến khi “cuộc chiến” với hàng rong được triển khai ở các đô thị lớn, người ta mới nhận ra về bản chất, hàng rong - sản phẩm của một giai đoạn phát triển đô thị và kinh tế trong quá khứ - đã bộc lộ những mâu thuẫn với mô hình hoạt động của những thành phố đang chuyển mình theo hướng hiện đại.
Đó là câu chuyện về sự vận hành của đô thị, khi hàng rong bị “chỉ mặt” khi bịt kín luồng giao thông cơ giới dưới lòng đường hoặc chiếm dụng không gian đi bộ tại vỉa hè. Là câu chuyện ở góc độ kinh tế, khi hàng rong là khởi nguồn cho sự cạnh tranh không công bằng về giá cả và điều kiện đảm bảo chất lượng so với các hàng quán đang hoạt động theo quy định hiện có.
Lỗi không thể đổ hết cho hàng rong. Đó là sự loay hoay của một mô hình từ quá khứ, trong việc tìm cách biến đổi để thích nghi một với xã hội hiện đại đang cho phép người dùng mua về mọi thứ bằng hình thức giao hàng trực tuyến. Và sự biến đổi ấy chắc chắn còn kéo dài, trong giai đoạn mà hầu hết các đô thị vẫn đang tiếp tục chuyển mình như bây giờ.
Để giúp cho hàng rong tìm được vị trí đích thực trong tương lai,điều đó sẽ là một câu chuyện rất dài và phụ thuộc vào sự biến đổi của đô thị, cũng như tập quán mua hàng từ thị dân. Phần nào, cũng đã có những đề xuất như quy hoạch những khu phố cho hàng rong, với sự kiểm soát đầy đủ về trật tự và an toàn thực phẩm.
Còn bây giờ, chúng ta hãy chấp nhận cảnh dùng dằng của hàng rong như đang có. Đừng để sự hoài cổ khiến nhiều người quên rằng: Hiện tại, tìm một gánh hàng rong “truyền thống” với tiếng rao làm duyên là quá khó so với những gánh hàng đang dùng loa điện. Nét lãng mạn ấy cũng giống sự giằng co qua lại giữa việc dẹp bỏ các gánh hàng rong tại một số tuyến phố với cảm xúc về sự mưu sinh của những người lao động nghèo. Bởi đôi khi, sự cảm tính và lãng mạn lại là nút thắt cổ chai khiến dư luận bối rối trong ý tưởng tìm tới mô hình một đô thị hiện đại, văn minh.
Cúc Đường
Tags