(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ tồn tại trong một ngày, vậy nhưng bức bích họa tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận tuần qua.
Bức bích họa ấy được Đoàn thanh niên địa phương thực hiện trên tường khu đầu hồi của đình cổ Tự Đông, sau khi bức tường này bị người dân dán, sơn các thông tin quảng cáo, rao vặt... và trở nên xấu xí. Với tổng kinh phí 40 triệu đồng, bích họa gồm nhiều họa tiết sơn màu, với hình ảnh trung tâm là bản đồ Việt Nam màu đỏ.
Để rồi, sau những phản ứng về việc xâm phạm ngôi đình cổ vốn là di tích cấp Quốc gia, bức bích họa trên lập tức được địa phương cho xóa bỏ và phủ lại màu sơn cũ lên tường.
Như thế, từ một xuất phát điểm với động cơ tích cực, sai sót của những người trong cuộc đã biến việc làm đẹp không gian công cộng thành một trường hợp vi phạm Luật Di sản văn hóa điển hình. Rất may, sai lầm ấy vẫn còn có thể tạm khắc phục - khi nó ít nhiều ở mức nhẹ hơn nếu so với những ca tùy tiện sơn sửa, đổi màu, “biến cũ thành mới”… mà chúng ta vẫn thường xuyên nhắc tới trong việc trùng tu các cấu kiện gỗ trên di tích.
Nhưng xa hơn, cũng phải nói thêm, câu chuyện ở đây liên quan tới việc tìm địa điểm - và cả “nội dung” cho những bức tranh bích họa, vốn là một trào lưu nổi lên tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Không kể tới một “Con đường gốm sứ” xuất hiện sớm tại Hà Nội từ 2010, trào lưu ấy bắt đầu phát triển mạnh qua những dự án phát triển văn hóa do nước ngoài hỗ trợ. Điển hình, 2 công trình nổi bật nhất trong số đó là làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam) năm 2016 và phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) năm 2018- đều có sự tham gia của các họa sĩ Hàn Quốc. Sau khi xuất hiện, cả 2 trường hợp này đều được dư luận chú ý, và sớm trở thành những điểm đến thu hút cộng đồng.
Để rồi, từ thành công ấy, rất nhanh, bích họa liên tục xuất hiện tại các đô thị lớn lẫn làng quê, và được thực hiện bởi rất nhiều thành phần trong xã hội. Đó có thể là những bức bích họa được thực hiện tại các không gian được coi là “đắc địa” tại địa phương, và cũng có thể chỉ là những bức bích họa phục vụ một cộng đồng nhỏ với mục đích “làm mới” một khoảng không gian chung nào đó.
Nếu nhìn một cách bao dung, trào lưu ấy cũng có thể coi là một bước tiến của chúng ta, trong ý thức về trang trí đô thị và không gian công cộng. Nhưng ngược lại, trong hàng trăm, hàng ngàn bức bích họa xuất hiện tại Việt Nam vài năm qua, các chuyên gia cũng không khó chỉ ra những trường hợp bị coi là kém hiệu quả, thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực tới không gian xuất hiện nó.
- Góc nhìn 365: 'Nhiệm vụ mới' của bích họa ở Hà Nội
- Đằng sau bức bích họa đang hút giới trẻ 'selfie'
- Nghĩ từ 'phố bích họa'
Đơn cử, chỉ vài tháng sau thành công của phố bích họa Phùng Hưng, một cụm bích họa khác đã xuất hiện tại trên vách tường trường Phan Đình Phùng (Hà Nội) với những hình ảnh cũng rất “Hà Nội” như cầu Long Biên, chùa Một Cột, gánh hàng hoa, tàu điện…Vậy nhưng, cụm bích họa này lại bị đánh giá thấp, khi những hình vẽ này có chất lượng thẩm mỹ không cao - và đặc biệt, lại trở nên... thừa thãi khi đặt tại một trục phố vốn đã cổ kính và đẹp nhất Hà Nội.
Hoặc, ở một số trường hợp trên bốt điện gần lòng đường hay mặt tường, bãi đất trống gần các ngã tư, sự xuất hiện của bích họa lại khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng gây phân tán sự tập trung của người tham gia giao thông. Rồi, trước câu chuyện ở đình Tự Đông, một trường hợp tương tự cũng diễn ra vào năm ngoái, khi di tích đình Tiên Lữ (Vĩnh Phúc) cũng bất ngờ xuất hiện tranh bích họa và sau đó cũng phải xóa bỏ.
Và dù là câu chuyện về chất lượng thẩm mỹ, nội dung thể hiện hay lựa chọn không gian, những mặt trái của bích họa cho thấy: Loại hình này có lẽ đã tới lúc cần tới sự định hướng và hỗ trợ từ người làm nghề, cũng như các cơ quan quản lý - thay vì tiếp tục “len lỏi” vào các đô thị và làng quê với sự tự phát như hiện tại...
Trí Uẩn
Tags