Ngày 25/9 tới, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V sẽ diễn ra trong vòng một tuần lễ, với 13 vở diễn của 13 đơn vị. Đa phần, đó đều là những nhà hát đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Nhìn lại, trong 4 lần tổ chức trước đó, Liên hoan này đã dần tạo được một thương hiệu riêng của mình. Đó không chỉ là cuộc “điểm danh” về nghệ thuật để các nghệ sĩ tại Hà Nội có dịp so tài mà còn đặt ra sự kỳ vọng về một đề tài tưởng dễ mà rất khó - đề tài về Hà Nội…
Thực tế, dù không đặt ra như một tiêu chí bắt buộc, nhưng Liên hoan sân khấu Thủ đô những năm qua vẫn luôn khuyến khích các nhà hát mang tới những vở diễn có giá trị về Hà Nội. Và ở phía ngược lại, các đơn vị nghệ thuật cũng rất cố gắng để thực hiện điều này, với những cách tiếp cận khác nhau.
Điển hình là vở kịch lịch sử Huyền tích chùa Một Cột của sân khấu Lệ Ngọc. Chọn mốc thời gian là giai đoạn trị vì của vua Lý Thái Tông - người đã cho xây dựng ngôi chùa Một Cột tại Thăng Long trong quá khứ - vở diễn gắn với những hư cấu nghệ thuật khá độc đáo khi lấy câu chuyện về cuộc đấu tranh giữ nước trong thế kỷ XI để kiến giải về sự ra đời của biểu tượng văn hóa này.
Tương tự, Bất tử với Thăng Long của Nhà hát Cải lương Việt Nam là câu chuyện về cuộc đời của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi bị Pháp đánh chiếm; Trời Nam của Cải lương Hà Nội ngợi ca hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung trong chiến dịch giải phóng Thăng Long; Trung trinh liệt nữ của Chèo Hà Nội gắn với số phận của An Tư Công chúa thời Trần trong những ngày Thăng Long bị giày xéo bởi vó ngựa Nguyên Mông...
Rồi, không trực tiếp lấy bối cảnh Hà Nội nhưng Mưa đỏ của kịch Quân đội vẫn nói về những chàng trai Hà Nội trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trong khi đó, lần đầu đại diện cho xiếc tham dự liên hoan, Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội đã công phu dựng hẳn vở kịch xiếc Hà Nội - thành phố của những giấc mơ với hi vọng sẽ tạo ra sức hút từ đặc thù của loại hình nghệ thuật này.
***
Cần nói lại, việc sân khấu thiếu vắng những vở diễn sân khấu có giá trị về Hà Nội đã được người trong nghề nhắc tới từ nhiều năm nay. Đó là một bất cập lớn, nếu nhìn lại bề dày văn hóa của Hà Nội, cũng như vô vàn những câu chuyện, những vấn đề, những gương mặt... mà sân khấu chưa có dịp khắc họa, lý giải và chia sẻ một cách đủ hấp dẫn đối với khán giả bây giờ.
Và khi Hà Nội là “đại bản doanh” của rất nhiều Nhà hát trên cả nước, rõ ràng thực tế ấy đang là một... món nợ về nghệ thuật cần bù đắp, dù trong suốt nhiều năm nay, ngành sân khấu cũng đang lao đao trong việc đi tìm khán giả cho mình.
- 13 vở diễn về Hà Nội tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022
- Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 sẽ mở cửa tự do phục vụ khán giả
- Hậu Liên hoan Sân khấu Thủ đô: Đừng biến sân khấu thành… 'xe dù'
Nỗ lực của nhiều đơn vị tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô lần này cũng cần được ghi nhận trong hành trình “trả nợ” ấy. Cho dù, để đánh giá một cách chính xác và sòng phẳng, câu chuyện sẽ còn phụ thuộc vào nội dung, cách thể hiện và cả thông điệp về Hà Nội mà những vở diễn ấy mang về.
Cũng như khi mà rất nhiều vở diễn vẫn chọn mảng đề tài về lịch sử Hà Nội trong thời trung đại - hoặc gần hơn là trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc của thế kỷ trước - giới chuyên môn cũng đang rất mong đợi những vở diễn gắn với các vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra cho một Hà Nội của cuộc sống hôm nay. Có thể, điều ấy còn gắn với rào cản từ những khoảng trống về chất lượng kịch bản, về khả năng nắm bắt nhu cầu và thẩm mỹ người xem của các nhà hát. Nhưng dù sớm dù muộn, sân khấu vẫn cần sự quyết tâm - và cả những cơ chế khuyến khích đặc thù - cho những vở diễn như thế.
Trí Uẩn
Tags