Góc nhìn 365: Náo nức 'triển lãm ảo'

Thứ Năm, 30/09/2021 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Đại dịch Covid-19 đang tác động rất lớn tới thói quen của khách du lịch. Sau dịch, thay vì tìm đến các di tích với số lượng 40 - 50 người mỗi đoàn, họ sẽ có xu hướng tự thiết kế các tour tham quan cá nhân, dựa trên những trải nghiệm và hướng dẫn từ dịch vụ trực tuyến”.

Góc nhìn 365: Văn Miếu và câu chuyện 'phá bỏ rào ngăn'

Góc nhìn 365: Văn Miếu và câu chuyện 'phá bỏ rào ngăn'

Rào ngăn này - như cách nói của các chuyên gia trong cuộc tọa đàm “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” - nằm ở sức hút của Văn Miếu với du khách, đặc biệt là người trẻ.

Đó là nhận xét đáng chú ý của ông Trương Quốc Toàn, đại diện cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam trong một cuộc tọa đàm cuối tuần qua về phát huy giá trị Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Như hàng loạt các điểm tham quan trên cả nước, khu di tích này cũng đang sớm lên kế hoạch xây dựng chương trình tham quan và triển lãm “ảo” cho cộng đồng.

Thực tế, những tháng qua, hàng chục cuộc triển lãm theo hình thức trực tuyến đã liên tục được tổ chức trên nhiều lĩnh vực của ngành văn hóa như di sản, mỹ thuật, lịch sử. Đó là lựa chọn tất yếu và dễ hiểu trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và gây ảnh hưởng lớn tới cách tổ chức triển lãm, trưng bày theo kiểu truyền thống.

Chú thích ảnh
Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Về bản chất, khi mạng internet và điện thoại thông minh đã phổ biến, việc truy cập vào bảo tàng online hay các triển lãm trực tuyến cũng rất dễ dàng với du khách. Ở đó, chỉ vài thao tác nhỏ, một không gian rộng lớn, đa sắc màu sẽ mở ra, kèm thêm các mũi tên để hướng dẫn người dùng trong chuyến “tham quan” online này. Và, với mỗi hiện vật, tư liệu hoặc khung cảnh được phục dựng, người xem có thể thoải mái phóng to, thu nhỏ để quan sát và tìm hiểu các thông tin chi tiết được gắn kèm.

Không bị giới hạn về khoảng cách không gian, lại có xem trưng bày một cách dễ hiểu, chi tiết và khoa học nhờ ưu thế của công nghê, đó là lý do khiến bảo tàng “ảo” từ lâu đã phát triển trên thế giới. Và thực chất, tại Việt Nam, trước đại dịch Covid-19, nhiều bảo tàng hoặc điểm du lịch đã sớm nghiên cứu và xây dựng mô hình này. Điển hình, từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức xây dựng hệ thống tham quan trực tuyến qua công nghệ thực tế ảo 3D và dần nhận về những kết quả khá khả quan, khi lượng truy cập website của bảo tàng trong 2 năm gần đây đạt tới 9 triệu lượt/năm.

Để rồi, đến lượt mình, chính những khán giả bây giờ cũng đã quen với những mô hình “triển lãm ảo”, “trưng bày ảo” và không ngần ngại ghé thăm trong những ngày ngồi nhà vì dịch Covid-19. Đó là lý do để nhiều cuộc triển lãm theo hình thức này gây được tiếng vang trong thời gian qua như triển lãm trực tuyến ảo 360 độ "Di tích cách mạng nhà và hầm D67" tại Hoàng thành Thăng Long; chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình về đề tài kháng chiến chống Mỹ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu trực tuyến trên website; các triển lãm 3D của Bảo tàng Hồ Chí Minh; triển lãm “Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại” của hai Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và IV...

***

Nhưng, ở hướng ngược lại, nhu cầu ngày càng cao của du khách trong giai đoạn mới cũng đặt ra sức ép về sự đa dạng và hấp dẫn ở các bảo tàng ảo. Không thể phủ nhận, trong nhiều trường hợp, các cuộc trưng bày, triển lãm theo hình thức này còn nghèo nàn, sơ sài và chủ yếu chú trọng ở phần hình ảnh, trong khi thông tin còn khô cứng, hoặc quá hàn lâm.

Như lời các chuyên gia, yếu tố công nghệ chỉ chiếm 30%, còn 70% phải là nội dung thông tin, cách thức trình bày. Và như thế, đây là câu chuyện tiếp theo về việc khai thác và sáng tạo từ các thông tin dữ liệu, để cuộc trưng bày trong các bảo tàng ảo thật sự hấp dẫn dựa trên ba thành tố then chốt: khoa học, nghệ thuật và công nghệ.

Gần nhất, cuộc lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại” do 2 Trung tâm Lưu giữ Quốc gia I và IV tổ chức là một gợi ý đáng quan tâm. Không chỉ giới thiệu những hình ảnh chắt lọc từ các châu bản, mộc bản triều Nguyễn, triển lãm còn có phần chú thích được đội ngũ chuyên gia xây dựng công phu từ toàn bộ hệ thống tư liệu mà các đơn vị này lưu giữ. Đặc biệt, ngoài trailer giới thiệu, một đoạn phim ngắn 10 phút sử dụng hình ảnh tư liệu gốc, tư liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, và phim "Lều chõng" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) cũng được thực hiện để tăng sức hút với người xem.

Phải chăng, trong tương lai, các bảo tàng ảo cũng nên có sự hợp tác với nhau, cũng như với các chuyên ngành liên quan, để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh và hướng về khán giả của thời đại 4.0?

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›