Chúng ta đang trải qua chuỗi ngày nối dài của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Rất nhiều độc giả đã tới đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM) và sẽ còn tới đó trong những ngày nghỉ lễ.
Từ lúc ra đời tới nay, đường sách này luôn có một số gian hàng dành riêng cho sách cũ. Ở đó, bên cạnh những cuốn sách mới hầu như chưa có dấu tay người là những cuốn sách sờn gáy, ẩm mốc, nhiều khi mất trang - và đôi lúc vẫn còn gần như mới nguyên vậy, dù mang danh sách cũ.
Sách cũ là cũ bề ngoài, chứ nội dung thì chưa hẳn đã "cũ". Nội dung có "cũ" chăng là ở chỗ trình bày, cách phiên âm, quy tắc chính tả… Nên, đọc sách cũ nhiều khi là đọc lại một quá khứ, một tinh thần, đọc lại một thời, một hoài niệm.
Sách cũ và đôi khi giá cũng thuộc về thời cũ. Trong ký ức thời sinh viên của tôi có một cụ già ngồi dưới tán cây trứng cá, cạnh ông là một quầy sách cũ dựng ngay ngã ba ở khu sinh viên trọ học. Những cuốn giáo trình, sách tham khảo được lứa anh chị ra trường để lại nằm lẫn lộn với sách truyện thành chồng.
Sinh viên dọn trọ chỉ tiện mang theo những cuốn cần thiết nhất nên đành bán bớt sách đi. Để rồi, bao lần quầy sách cũ đó trở thành chọn lựa đầu tiên của một sinh viên trong túi chẳng còn bao nhiêu tiền nhưng cần kiến thức.
Giữa những chồng sách ngổn ngang đó có thể đang ẩn chứa một kho tàng, một cuốn sách tuyệt bản bấy lâu mà mình đang tìm kiếm. Ta có thể mua, có thể đọc, có thể yêu cuốn sách cũ tình cờ đó.
Hiệu sách cũ cũng giống hòn đảo được đánh dấu trên tấm bản đồ kho báu, nhưng có đào được kho báu trên hòn đảo đó không lại là chuyện khác.
Một đầu sách chỉ in nhỏn ngàn bản, nằm trên kệ bao năm, giảm giá lên xuống mãi mới bán hết. Vậy mà khi vừa tuyệt bản thì độc giả liền mò tới các hiệu sách cũ để săn tìm, có người sẵn sàng trả cao gấp đôi gấp ba so với giá bìa để sở hữu cuốn sách.
Rồi, nhiều cuốn sách cũ có thể là một gia tài theo nghĩa đen. Những cuốn sách hiếm có khó tìm, những cuốn sách tuyệt bản, có thủ bút, những cuốn sách có giá trị sưu tầm cao, luôn nằm trong tầm tìm kiếm của những người chơi sách.
Cụ Vương Hồng Sển từng viết: "Thú chơi sách là một thú phong lưu. Mỗi người đều chơi theo sở thích riêng, theo cách phonglưu mình tự hiểu". Ngày nay, trong vô vàn những độc giả lang thang khắp các hiệu sách cũ, biết bao người vẫn theo cái thú phong lưu đó.
Ngày sách, tản mạn một chút về sách cũ để biết rằng trong cái sự đọc, thế giới của những quyển sách cũ cũng lắm thăng trầm. Nó làm cho thế giới của mỗi độc giả phong phú hơn, rộng mở hơn, nhiều lựa chọn hơn, kể cả đang đứng giữa bạt ngàn những đầu sách mới.
Tags