(Thethaovanhoa.vn) - Ngày này của 76 năm trước, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam. Gắn với nó, cuộc mít tinh của hàng vạn quần chúng tại quảng trường trước Nhà hát Lớn Hà Nội cũng vĩnh viễn đi vào ký ức dân tộc như một như một mốc son vô cùng đặc biệt.
Và, không chỉ là nơi diễn ra sự kiện lịch sử ấy, Hà Nội còn có hẳn một địa danh riêng: năm 1994, thành phố đã quyết định chọn cái tên Quảng trường Cách mạng tháng Tám để đặt cho không gian trước Nhà hát Lớn, nơi diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ sáng 19/8/1945.
Không quá rộng, nhưng Quảng trường Cách mạng tháng Tám lại có sự hài hòa đặc biệt với những kiến trúc liền kề. Theo nhiều chuyên gia, đây là một kiến trúc tiêu biểu của loại hình “quảng trường nhóm”, khi các tuyến phố đan xen kết nối vào tạo ra cho nó một bố cục cân đối của các khoảng trống. Ở đó, những không gian mở và đóng được sắp xếp xen kẽ nhau, tạo ra sự thay đổi tầm nhìn thú vị, với hệ thống các vườn hoa và kiến trúc Pháp bao quanh quảng trường trên “phông nền” là Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đặc biệt, vào năm 2011, quần thể Nhà hát Lớn - Quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia. Và từ nhiều năm qua, nơi đây vẫn mặc định trở thành điểm dừng bước của nhiều người, trước hoặc sau khi tham quan Hồ Gươm, phố Tràng Tiền hay Nhà hát Lớn...
***
Cũng cần nói thêm, việc bảo tồn một không gian lịch sử như Quảng trường Cách mạng tháng Tám là điều không dễ - nhất là khi nó vẫn tồn tại như một điểm đến công cộng đặt giữa những trục phố của Hà Nội.
Và, ở câu chuyện này, rất nhiều người đã nói tới quyết tâm của chính quyền dân thành phố vào 14 năm trước, khi cho dừng dự án xây dựng công trình Hanoi Opera Plaza (dự kiến cao 9 tầng) tại khu vực số 2 phố Hai Bà Trưng - vị trí tiếp giáp với quảng trường. Thay vào đó, thêm một vườn hoa nhỏ có tên Vườn hoa 19/8 đã được thiết lập, như một kiến trúc bổ sung và càng tôn lên sự hài hòa với quảng trường cạnh nó.
Nhưng, nếu chỉ có vậy, Quảng trường Cách mạng tháng Tám vẫn thiếu đi chút dấu ấn để giúp cộng đồng hồi tưởng về cột mốc lịch sử ngày 19/8 năm 1945. Thực chất, khu vực này hiện chỉ có một bảng giới thiệu nho nhỏ và dễ bị người xem bỏ qua, thậm chí có thể bị khuất lấp trong trường hợp nhiều người và xe hơi dồn về đây trong lúc chờ vào xem biểu diễn tại Nhà hát Lớn.
Và cũng không thể bỏ qua lời chia sẻ rất thẳng thắn của nhiều kiến trúc sư rằng, không gian này tuy đẹp nhưng vẫn gắn liền với những công trình của các kiến trúc sư (KTS) Pháp. Và sẽ là rất hợp lý, nếu Hà Nội có một công trình kiến trúc tôn vinh sự kiện 19/8/1945 của thời hiện đại, do các KTS Việt Nam đảm nhiệm.
- Tổ chức đợt phim Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
- Khai mạc Triển lãm 'Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử'
Thực chất, ý tưởng xây thêm một kiến trúc có quy mô hợp lý, hòa nhập với quần thể kiến trúc tại quảng trường này - nhưng vẫn giàu ý nghĩa – là điều đã được các KTS nhắc tới từ khá lâu. Thậm chí, vào năm 2014, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đã tổ chức hẳn một cuộc thi thiết kế cho ý tưởng này và nhận được 9 đồ án tham dự. Trong đó, đồ án được đánh giá cao nhất đưa ra giải pháp đặt một ngôi sao vàng 5 cánh (có chất liệu bằng thủy tinh) tại vườn hoa 19/8 để gợi nhớ về sự kiện lịch sử năm 1945.
Hoặc, ở một góc nhìn khác, nhà sử học Dương Trung Quốc khá tâm đắc với ý tưởng tôn vinh Quốc kỳ và Quốc ca – khi lá cờ đỏ sao vàng và bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng xuất hiện chính thức trước người dân Hà Nội vào sáng 19/8 đó. Từ đó, ý tưởng của ông cũng được biết tới rộng rãi khi được đề cử trong giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2006: một bức tượng bán thân của nhạc sĩ Văn Cao sẽ tại Vườn hoa Cổ Tân cạnh quảng trường, trong khi phía Vườn hoa 19/8 là nơi dành cho một lá Quốc kỳ được cách điệu bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Tất cả những ý tưởng ấy, dù chưa được triển khai, nhưng cũng đủ nhen lên hi vọng về những cuộc thi và ý tưởng trong tương lai, Quảng trường Cách mạng tháng Tám sớm sở hữu một biểu tượng xứng đáng với giá trị lịch sử của mình.
Trí Uẩn
Tags