Một tuần vừa qua có lẽ là thời gian khó khăn đối với hàng ngàn gia đình có con em không đủ chuẩn vào các trường phổ thông công lập. Ở Hà Nội, như ước tính, số học sinh không đủ điểm vào lớp 10 trường công đã ngót nghét 30 ngàn. Đây là một con số lớn, đồng thời là một con số quen.
Trước đó, vào tháng 6/2020, khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2020 - 2021, cũng đã có những ước đoán rằng sẽ có gần 30 ngàn em học sinh rớt lớp 10 trường công. Con số này 1 năm trước nữa là 32 ngàn em.
Những con số qua từng năm cho thấy, "cú sốc" 30 ngàn em học sinh thi rớt lớp 10 công lập ở Hà Nội năm nay, không phải là "hiện tượng xưa nay hiếm" của giáo dục. Có chăng, chúng ta nên tự hỏi, tại sao con số này vẫn xuất hiện qua ngần ấy năm.
TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố hàng đầu cả nước, mật độ dân cư hàng năm chỉ có tăng chưa thấy giảm. Việc hệ thống các trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu của học sinh là điều không thể tránh khỏi. Ở nước ta, trường công vẫn được đánh giá cao về chất lượng giảng dạy, cũng như sự canh tranh về học phí, mà với nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở thành phố lớn, học phí mới mang tính quyết định.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều con đường để chọn "hậu rớt công lập". Nhưng cũng nên xem xét yếu tố vì sao trường công lập lại thu hút học sinh và được phụ huynh lựa chọn. Từ đó đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải đủ để đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của các em.
Sinh trưởng trong một thành phố nhỏ bé hơn nhiều, nên tôi có dịp quan sát phần lớn bạn bè đồng trang lứa với mình trong suốt cả quá trình học tập. Có bạn các cấp 1, 2 thành tích làng nhàng, trầy trật mãi mới đậu lớp 10 trường làng, nhưng lên cấp 3 thì học ngon lành, tìm ra được môn mình yêu thích, sau này cứ theo môn ấy mà định hướng ngành thi đại học, rồi lên thành phố lớn, học tập, làm việc không thua kém ai.
Việc đậu rớt trong một kỳ thi là chuyện bình thường trong cuộc đời mỗi người. Tôi không thích từ "thất bại" khi đọc thấy đâu đó trong lời động viên các thí sinh rớt lớp 10 trường công năm nay. Đó không phải là "thất bại" của các em, mà là thất bại của chúng ta đã không tạo đủ điều kiện tốt để các em thực sự mưu cầu tri thức, có thể học tập trong môi trường mà các em ước muốn.
Và tôi cũng nhớ lại Totto-chan, cô bé rớt tiểu học, hay nói đúng hơn là cô bé bị đuổi học khi mới vừa lớp 1. Cô bé sau này đã tìm được ngôi trường lý tưởng của mình, lớn lên trở thành người có ảnh hưởng trong xã hội và viết nên tác phẩm tự truyện ăn khách "Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ".
Tôi muốn tin rằng không có học sinh dù thuộc cấp học nào phải đứng bên rìa, đứng bên ngoài cửa sổ trên con đường học vấn, dù có rớt bao nhiêu nguyện vọng đi nữa. Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi từ bỏ việc học.
Tags