Góc nhìn 365: 'Nối liền' không gian cũ

Thứ Năm, 14/03/2024 17:30 GMT+7

Google News

Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua: Theo phương án thiết kế vừa được công bố, không gian của vườn hoa Vạn Xuân - một trong những địa điểm nổi bật tại trung tâm thành phố - sẽ được kết nối với tháp nước Hàng Đậu liền kề.

Như những gì được chia sẻ, phương án kết nối này là một phần của dự án cải tạo, nâng cấp nườn hoa Vạn Xuân (hiện đang triển khai) và nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân, cũng như các cơ quan chuyên môn.

Trong bối cảnh hiện tại, vườn hoa Vạn Xuân và khu vực tháp nước Hàng Đậu đang được phân cách bởi một đoạn đường của phố Hàng Cót, với chiều dài khoảng 50 mét, chiều rộng 10 mét. Theo phương án được quận Ba Đình đưa ra, phần lòng đường này sẽ sớm được lát bằng đá tự nhiên, nhằm tạo sự kết nối giữa 2 không gian đang bị cắt rời.

Góc nhìn 365: 'Nối liền' không gian cũ - Ảnh 1.

Vườn hoa Vạn Xuân kết nối với Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN

Xa hơn, quận Ba Đình dự kiến sẽ xin ý kiến của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để tổ chức phân luồng lại giao thông sau khi lát đá và chỉnh trang phần đường này. Theo đó, thay vì đi qua đoạn phố Hàng Cót cũ, các phương tiện sẽ đi theo các trục đường Phan Đình Phùng - Hàng Than - Quán Thánh - Hòe Nhai liền kề, còn vườn hoa Vạn Xuân hiện tại sẽ được mở rộng qua việc hợp nhất cùng không gian của tháp nước Hàng Đậu.

Từ đó, điểm nhấn kiến trúc của vườn hoa Vạn Xuân mới sẽ gắn với việc tôn vinh tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh với giải pháp tạo trục chính giữa kéo dài, kết nối từ tượng đài tới tháp nước. Theo trục không gian này, một dàn phun nhạc nước gồm 52 vòi phun được bố trí lắp đặt để tạo cảnh quan, thu hút cộng đồng…

***

Nhìn lại, cuối thế kỷ XIX, sau khi phá tường thành Hà Nội và lấp hào để hình thành phố Carnot (nay là Phan Đình Phùng), người Pháp đã dành một khoảng đất trống hình chữ nhật với kích thước 100x50 mét tại góc Đông Bắc của thành cũ để làm vườn hoa Carnot. Trong giai đoạn 1945 về sau, vườn hoa này lần lượt mang các tên Chi Lăng, Ba Đình, Vạn Xuân - còn người dân vẫn gọi nơi đây là vườn hoa Hàng Đậu.

Góc nhìn 365: 'Nối liền' không gian cũ - Ảnh 2.

Phối cảnh kết nối vườn hoa Vạn Xuân với Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: TTXVN phát

Đáng nói, từ năm 2024, vườn hoa Vạn Xuân còn có thêm một lớp ý nghĩa khác, khi được bổ sung thêm tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của Hà Nội. Như nhận xét của giới chuyên môn, lựa chọn này khá hợp lý, khi vườn hoa Vạn Xuân có đủ nằm cây xanh và không gian thoáng đãng và nằm ở vị trí trung tâm của Hà Nội cũ, đồng thời lại khá gần các phố Hàng Bún, Yên Ninh hay khu phố cổ nói chung - những địa danh gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1946.

Để rồi, những năm qua, nhiều ý tưởng cũng nhắc tới việc nên tăng thêm giá trị cho không gian này bằng việc kết nối nó với tháp nước Hàng Đậu - một kiến trúc Pháp cũ gần như được xây dựng cùng thời điểm vườn hoa Vạn Xuân ra đời và cũng là một "nhân chứng" có mặt trong cuộc chiến đấu năm 1946.

Còn bây giờ, sau khi tháp nước Hàng Đậu từng được mở cửa và chứng tỏ được tiềm năng thu hút du khách của mình tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, rõ ràng việc "hợp nhất"kiến trúc này với vườn hoa Vạn Xuân là một ý tưởng tích cực để nâng tầm một không gian cũ và rất có giá trị lịch sử - văn hóa giữa lòng Hà Nội.

Trí Uẩn/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›