Góc nhìn 365: Phía sau túi bánh rán

Thứ Ba, 26/03/2024 08:27 GMT+7

Google News

Chủ nhật tuần qua, những thông tin liên quan tới "túi bánh rán giá 50.000 đồng" đã liên tục thu hút sự chú ý trên không gian mạng.

Buổi sáng, câu chuyện bắt đầu lan tỏa quanh chia sẻ của một du khách tại phố đi bộ Hồ Gươm. Anh bắt gặp một phụ nữ bán hàng rong ép nhóm khách quốc tế mua một túi bánh rán nhỏ với giá 100 ngàn đồng, rồi hạ xuống 50 ngàn đồng sau khi bị phản ứng.

Tối cùng ngày, các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính người phụ nữ này vì hành vi "chặt chém" du khách.

Không khó hiểu, khi túi bánh rán ấy bỗng dưng lại thu hút sự chú ý xen lẫn bức xúc của nhiều độc giả đến vậy.

Góc nhìn 365: Phía sau túi bánh rán - Ảnh 1.

Người bán hàng rong bị tố "chặt chém" khách Tây. Ảnh: D.T

Đơn giản, chỉ mươi ngày trước đó, một trường hợp tương tự cũng vừa diễn ra tại phố Thụy Khuê cạnh Hồ Tây - khi một clip được chia sẻ trên mạng ghi lại cảnh 2 du khách nước ngoài được người bán hàng mời ăn thử táo, sau đó phải giằng co khi bị ép mua một túi táo nhỏ với giá 200 ngàn đồng.

Và giống như du khách tốt bụng tại Hồ Gươm (đã ra hỏi han người mua bánh rán và truy vấn phía bán hàng), một nhân viên bảo vệ chứng kiến câu chuyện đã trực tiếp can thiệp, khiến chuyện ép giá không thành. Cũng nhờ trình báo của anh, cơ quan chức năng đã sớm tìm ra người bán táo và xử phạt hành chính.

2 câu chuyện có "kịch bản" giống nhau liên tiếp xảy ra. Và nếu đã sẵn sự bức xúc với vô vàn câu chuyện về nạn "chặt chém" du khách - đặc biệt là khách nước ngoài - mà chúng ta từng nhiều lần nhắc tới trước đó, hẳn nhiều độc giả sẽ lại có thêm sự bức xúc xen lẫn bị quan.

***

Ai cũng biết: Ở bối cảnh du lịch đang là một trong những ngành phát triển nóng và được xã hội hóa ở mức cao bậc nhất, những gì đang xảy ra đến từ việc một số người thiếu đi những kiến thức, kỹ năng của người làm du lịch. Chuyện "ép giá" khách Tây - những người không rành giá và thường gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ - chỉ là tầng thấp nhất của cách tư duy theo kiểu "tận thu" vốn khá phổ biến.

Nhưng, thay vì chỉ bi quan, người viết vẫn nhìn thấy ở đây những điểm sáng hiếm hoi. Đó không chỉ là lòng tốt của những người sẵn sàng can thiệp khi thấy chuyện bất bình như vị du khách tại Hồ Gươm hay anh nhân viên bảo vệ phố Thụy Khuê. Xa hơn, đó là sự giám sát và gây sức ép của cộng đồng thông qua mạng xã hội, trước nạn nài ép du khách.

Nhờ công nghệ và sự lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, những vụ việc tưởng như "chuyện thường ngày" tại các khu du lịch sớm được hâm nóng và chuyển tới các cơ quan chức năng. Rồi nữa, như nhận định của nhiều người, những hình ảnh và clip được ghi lại đã khiến những người bán hàng rong với tư duy "chém khách" phải trả một giá khá đắt - không chỉ ở mức tiền bị xử phạt mà còn ở những khó khăn sau này trong việc quay trở lại với công việc của mình.

Xã hội đi lên, nhận thức phải đi lên, và dần rồi sẽ tới lúc những người trong cuộc phải hiểu được giá trị của cách làm du lịch bền vững, thay cho cách tiếp cận "ăn xổi". Còn riêng với câu chuyện của những người bán hàng rong, bên cạnh những đề xuất từng có trong thời gian qua như cần thành lập đội ngũ "cảnh sát du lịch" hay xử phạt ở mức độ rất nặng, dường như chúng ta cũng nên tính thêm tới việc tận dụng những ưu thế của công nghệ để phát huy sự giám sát từ cộng đồng?

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›