(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày qua, những chợ đào Tết tại Hà Nội bắt đầu “tăng nhiệt”. Trước đó, cảnh vắng vẻ ở nhiều khu vực bán đào ở thành phố đã từng khiến nhiều người nghĩ tới cảnh đìu hiu của đào Tết năm nay và lo lắng hộ những người trồng đào.
Thật ra, cũng dễ hiểu - khi mà suốt một năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đời sống tiêu dùng của cộng đồng dần “hạ nhiệt”. Thêm nữa, đợt mưa lạnh sát Tết, đúng vào thời điểm 78 chợ hoa tại Hà Nội bắt đầu mở cửa (18/1) cũng là lý do khiến người mua chưa vội tìm đến ‘mặt hàng” đặc biệt này.
Nhưng rồi, càng sát Tết, chúng ta càng khó có thể hờ hững với màu đỏ của những cành đào ấy.
Chẳng ai nói được, tập quán chơi hoa đào ngày Tết đã hình thành từ bao giờ. Như giả thuyết được giới nghiên cứu đưa ra, ban đầu, màu đỏ đặc biệt của cành đào được người xưa rước về nhà với mục đích trừ tà sát quỷ trong ngày Xuân. Lâu dần, cái đích “trừ tà sát quỷ” được quên đi, còn màu sắc đỏ đậm mang thuộc tính dương ấy lại được coi là biểu tượng cho sự sung túc thịnh vượng, thậm chí lại tạo sự ấm áp cho mỗi căn nhà trước cái rét của miền Bắc.
Để rồi, bất kể giả thuyết ấy đúng hay sai, từ nhiều thế kỷ qua, hoa đào đã trở thành một phần của ngày Tết. Thậm chí, vượt lên cả một tập tục truyền thống, nó còn là thú chơi của rất nhiều gia đình.
Ở thú chơi đó, người ta không cần phải mua cành đào Tết thật to, thật “độc”. Để lựa một cành đào nhỏ với dáng, lá, nụ, hoa... như ý, nhiều người cặm cụi tìm đến tận những vườn đào quanh Hà Nội để rước về nhà. Rồi, đào càng ngày càng bán ở khắp nơi, nhưng người công phu cứ phải tìm tới đủ các chợ, lang thang cả buổi ngắm đào nhưng có khi chỉ chọn được một cành con. Bởi, mua cành đào chỉ là cái cớ, cho những phút nhẩn nha, ung dung để “no con mắt” của mình.
Và nếu không giàu, ai cũng có thể chơi đào theo cách của mình. Ngày xưa, lứa sinh viên vẫn rủ nhau tới chợ đào Xuân, chọn và mặc cả mua vài cành đẹp, rồi đứng bán lại để kiếm chút tiền tiêu Tết. Người ít tiền thì chờ đêm 29, 30 đi mua mấy cành đào mãn khai, đã nở bung nhưng vẫn đủ bày 3 ngày Tết trong nhà.
Có nghĩa, việc chơi đào Tết không chỉ là chuyện của túi tiền, mà còn là câu chuyện để tìm sự đồng điệu giữ cành đào với quan niệm thẩm mỹ, và cả nhu cầu của người chơi.
Và cũng giống như mọi tập tục liên quan tới Tết, bản thân những cành đào Xuân qua mỗi năm cũng là “nhân chứng” cho những thay đổi của xã hội. Như giai đoạn giữa thập niên 2000, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, nhiều người “buôn chứng” vẫn truyền miệng nhau về việc kiêng chơi đào ngày Tết, bởi màu đỏ ấy giống với... sắc đỏ vốn là nỗi ám ảnh trên sàn.
Rồi bây giờ, thay vì cảnh phải tìm đến tận vườn, đào Tết đã có thể được bán online qua mạng internet, thậm chí là gửi từ Bắc vào Nam theo dịch vụ mới của các hãng hàng không. Rồi, bên cạnh những cành đào bích, đào phai, những gốc đào cổ thụ khổng lồ bây giờ đã có thể được bán (hoặc... cho thuê qua Tết) với mức giả cả trăm triệu đồng, như minh chứng cho thú chơi “to, độc, lạ” vốn cũng đang nổi dần lên trong xã hội...
Nhưng, những biến đổi quẩn quanh ấy rồi cũng không thể làm mất đi sắc đỏ của cành đào trong dịp Tết về. Tết thì phải có đào. Nhịp sống hiện đại có thể làm thú chơi đào nhẩn nha, thanh cảnh khi xưa phải tự đổi thay, nhưng người ta vẫn tự khắc tìm đến với nó, kể cả sau một năm u ám và nghèo đi vì dịch bệnh.
Trí Uẩn
Tags