Góc nhìn 365: Quẩn quanh sách cũ

Thứ Năm, 25/05/2023 14:00 GMT+7

Google News

Vài ngày trước, thông tin "ông Cảnh Bát Đàn" qua đời được chia sẻ khá nhiều trên trang cá nhân của giới sưu tập sách cũng như một số nhà nghiên cứu. Kèm theo thông tin ấy là những kỷ niệm và những ngậm ngùi - thậm chí, như lời một PGS ngành Văn học, với nghề nghiệp của mình, ông là nhân chứng của một thời đại.

Nói vậy cũng không sai. Tròn nửa thế kỷ sưu tập sách và bán sách cũ, ông Phan Trác Cảnh - và địa chỉ số 5 Bát Đàn (Hà Nội) - giống như biểu trưng của một dòng chảy ngầm gắn với văn hóa đọc của thập niên 1990, khi internet chưa ra đời.

Thời điểm ấy, khi đời sống xuất bản còn hạn chế, người ta không thể tới các quầy sách quốc doanh để tìm một ấn phẩm đã ra đời từ nhiều năm. Và, các hiệu sách cũ luôn là địa chỉ để độc giả ghé thăm với hi vọng sở hữu một cuốn sách phù hợp với nhu cầu - và cả túi tiền - của mình.

Những người bán sách cũ như ông Cảnh không chỉ làm công việc thu gom sách từ các địa điểm tại khu vực phía Bắc. Bản thân họ chính là những "mọt sách" thực thụ và hiểu rất rõ giá trị của những cuốn sách mình sưu tập được cũng như đang kiếm tìm. Tới cửa hàng, độc giả có thể ngồi thoải mái để nghe họ trò chuyện về một cuốn sách hay, về những đầu sách nên đọc - và cả lộ trình đọc - trong một lĩnh vực cụ thể, trước khi vào cộng đoạn cuối cùng là mua sách.

Góc nhìn 365: Quẩn quanh sách cũ - Ảnh 1.

Ông Phan Trác Cảnh được mệnh danh là "vua sách cũ" Hà Nội. Ảnh: VOV world

Còn nữa, cái thú vị ở những hiệu sách cũ ấy là việc có thể đặt hàng, nhờ người bán tìm kiếm một đầu sách hiếm qua "kênh" riêng. Bởi thế, không ít nhà nghiên cứu đã từng ghé thăm, thậm chí là thân thiết với các chủ hiệu sách cũ này.

Yêu sách, đọc nhiều, biết giá trị của sách và biết… chọn người để bán sách - đó là nhận xét chung của nhiều độc giả về những người như ông Cảnh. Ngoài hiệu sách số 5 Bát Đàn, Hà Nội khi ấy còn địa chỉ số 180 Bà Triệu của ông Dư, rồi cửa hàng sách cũ của ông Điền ở Thụy Khuê, của anh Giang ở 27 Ngô Thì Nhậm hay những quầy sách - bày trong nhà có mà bày trên vỉa hè cũng có - suốt dọc đường Láng.

***

Bây giờ, đa phần những người thuộc nằm lòng những địa chỉ sách cũ ấy đều vượt ngưỡng U40. Và, cùng sự chuyển mình trong đời sống xuất bản, những hiệu sách cũ tại Hà Nội cũng đã thu hẹp lại rất nhiều. Đơn giản, một phần lớn các đầu sách cũ được tái bản và in lại với mẫu mã đẹp hơn hẳn - trong khi nhiều đầu sách cũ khác được cộng đồng số hóa rồi chia sẻ với nhau qua các diễn đàn.

Trước khi ông Cảnh qua đời, ông Dư ở Bà Triệu cũng giải nghệ vì tuổi cao và bệnh tật. Rồi, một số hiệu sách cũ quen thuộc khác cũng phải chuyển sang kinh doanh cả sách mới. Cũng có những cửa hiệu sách cũ mới xuất hiện nhưng ít thu hút được người mua - phần vì người bán không thể có được kiến thức và sự tâm huyết như lứa cũ, phần vì nhu cầu và thói quen của độc giả cũng đã khác trước rất nhiều.            

Sách cũ, giờ đa phần chỉ dành cho giới sưu tập tìm kiếm những ấn bản cổ, hoặc hãn hữu cho những người muốn… tiết kiệm tiền mua sách mới. Tất nhiên, nó cũng sẽ không đến nỗi bị khai tử trong nhịp sống hiện đại. Nhưng nhắc tới nó, cảm giác ngẩn ngơ bồi hồi là có thật, với những ai đã từng có lúc cậy cục tìm mua sách cũ trong một thời tuổi trẻ của mình.

Trí Uẩn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›