(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, tại Vũ Hán (Trung Quốc), bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời sau một thời gian ngắn nhiễm chủng mới của virus Corona. Ông chính là một trong những bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo với Trung Quốc, cũng như thế giới, về nguy cơ bùng nổ của đại dịch này.
Cái chết của bác sĩ Lý chỉ là một trong hàng loạt câu chuyện về công việc và sự hi sinh của các nhân viên ngành y tại vùng dịch Vũ Hán- vốn đang được liên tục chia sẻ trên không gian mạng. Trong một chuỗi ngày đặc biệt, với những nỗ lực tưởng như vượt quá khả năng của con người, họ đang cố gắng làm tròn thiên chức mà nghề y đã đặt lên vai.
Đó là hình ảnh về gương mặt biến dạng bởi những vết hằn sâu ngang dọc - hệ quả từ hàng chục giờ đeo khẩu trang và đồ bảo hộ - của các y tá. Là những đôi tay sưng phồng sau khi trút bỏ lớp găng cao su. Là chuyện về những bác sĩ tận dụng từng phút trong cuộc chạy đua với bệnh dịch - đến mức phải cạo đầu, đeo tã người lớn và ngủ vạ vật trên sàn.
Rồi xa hơn, không chỉ là sự mệt mỏi từ thể xác, những con người ấy cũng từ chối tất cả những quyền cơ bản nhất của mỗi cá nhân để tập trung cho sứ mệnh của mình. Chuyện về những đám cưới ngắn ngủi trong 10 phút (thậm chí là qua... màn hình điện thoại), về những nụ hôn dành cho con cái và người thân qua tấm kính cách ly của họ... là ví dụ điển hình.
Vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và cả chính trị, hiếm khi câu chuyện về những người bác sĩ lại được đón nhận với sự xúc động, trân trọng đến thế từ cộng đồng ở mọi quốc gia.
***
Riêng tại Việt Nam, nếu phải lựa chọn, tôi tin: những người đồng cảm với các bác sĩ ở Vũ Hán nhất cũng chính là những đồng nghiệp của họ.
Bởi, dù chúng ta may mắn chỉ đối mặt với một đợt dịch corona ở mức độ nhẹ hơn rất nhiều, nhưng các bác sĩ tại Việt Nam cũng đang ở một cuộc chiến đặc biệt mà xã hội đặt ra cho mình.
Không đâu xa, ngay từ mùng 5 Tết Canh Tý vừa rồi, 18 y bác sĩ và kỹ thuật viên của Bệnh viện Hải Dương đã phải vào nằm tại phòng cách ly - sau khi một bé trai Trung Quốc nghi nhiễm corona được đưa vào đây cấp cứu. Và trong suốt 4 ngày cho tới thời điểm bệnh nhân có kết quả âm tính với virus, những y bác sĩ ấy đã phải đón Tết trong phòng kín, cho dù hầu hết trong số họ đang dở dang kế hoạch đón Tết với gia đình.
Rồi, tại Hà Nội, cũng từ sau Tết, một loạt y bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng được cách ly trong suốt 8 ngày qua để theo dõi, điều trị các bệnh nhân, đồng thời sẵn sàng ứng phó trước những diễn biến mới của dịch. Như những gì được kể, bên cạnh sự mệt mỏi căng thẳng, rất nhiều y bác sĩ ấy còn phải đối mặt với một nỗi lo khác, khi vợ con và gia đình của họ phần nào bị cộng đồng e ngại, xa lánh trong thời điểm mới bùng phát những thông tin về dịch do chủng mới của virus corona gây ra.
Đó chỉ là 2 trong số những câu chuyện điển hình về công việc của các bác sĩ Việt Nam ở mọi tỉnh thành trong đợt dịch này. Và nếu có ai chưa tin vào gánh nặng đang được đặt lên vai họ, hãy nhớ rằng: 7 năm trước, giữa đại dịch SARS tại Việt Nam, 6 y bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp đã vĩnh viễn ra đi trong sự đau xót của cộng đồng....
***
Sự phát triển với tốc độ quá nhanh của xã hội từng dẫn tới những bất cập về đạo đức ở nhiều lĩnh vực - trong đó có nghề y. Và đôi khi, từ những bức xúc của cuộc sống hiện tại, người ta quên mất một thực tế: loài người nói riêng chưa bao giờ diệt hết được dịch bệnh. Bởi, như lời các chuyên gia trong môi trường sống tự nhiên, khi con người biết cách tiêu diệt một loại virus này, một loại virus khác sẽ ra đời. Thậm chí, có những virus tưởng như đã “ngủ yên” trong một thời gian dài nhưng dịch bệnh do nó tạo ra hoàn toàn có thể bùng phát trở lại, trong một thời điểm thuận lợi nào đó.
Để rồi khi ấy, người ta lại nhớ tới sứ mệnh của nghề y, như những gì đang thấy.
Sơn Tùng
Tags