Doanh nhân Jensen Huang, người đồng sáng lập Nvidia (tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới với mức vốn hơn 1000 tỷ USD) vừa tới Việt Nam để tìm cơ hội mở rộng hợp tác.
Thế nhưng, đi trước những thông tin về công nghệ hay kinh tế số, điều khiến độc giả háo hức và tò mò nhất cuối tuần qua lại là sự xuất hiện của doanh nhân tại Hà Nội, bên những quán ăn bình dân.
Một quán bia vỉa hè Lương Ngọc Quyến với ốc hấp và phở cuốn. Rồi phở bò - vẫn vỉa hè - tại Hàng Nón. Rồi lẩu ngan Hàng Thiếc, cà phê Giảng ở Nguyễn Hữu Huân - đó là "tour ẩm thực" của Huang qua những bức ảnh trên mạng.
Ở các bức ảnh được chia sẻ, người ta thấy một Jensen Huang ăn mặc giản dị, ngồi ngoài trời giữa hàng chục thực khách bình thường của Việt Nam và thưởng thức các món "ẩm thực vỉa hè" với sự hào hứng thấy rõ.
Cũng là một doanh nhân lớn trong lĩnh vực công nghệ, những gì vừa diễn ra khiến nhiều người nhắc tới một câu chuyện tương tự vào năm 2015. Khi đó, trong chuyến tới Hà Nội gặp gỡ các nhà khởi nghiệp, ông Sundar Pichai, Tổng Giám đốc điều hành Google, cũng từng khiến dư luân "phát sốt" qua bức ảnh ngồi tại một quán trà chanh vỉa hè ở phố Nhà Thờ để trò chuyện thân mật cùng Nguyễn Hà Đông, "cha đẻ" trò chơi Flappy Bird.
Rộng hơn, cũng là "ngồi vỉa hè", hãy nhớ thêm về tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Khi đó, báo giới cũng rất háo hức với việc Thủ tướng Australia, ông Malcolm Turnbull, đã ăn sáng với món bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè ở Đà Nẵng, kèm theo những lời khen đặc biệt cho món ăn này.
Cũng quanh thời điểm ấy, khi dừng lại ở TP.HCM, Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng ghé quán cà phê trên hè đường Lê Thánh Tôn, uống một ly nâu nóng giá 30 ngàn đồng vào buổi chiều và bắt tay mọi người trước khi rời đi…
***
Không khó để lý giải về sự hào hứng từ cộng đồng, khi các doanh nhân và chính trị gia của thế giới "ghé thăm" các quán vỉa hè tại Việt Nam. Bên cạnh sức hút tự thân của họ, điều được quan tâm chính là việc những gương mặt này tỏ ra thích thú với lựa chọn mang tính bình dân này - như chúng ta đã và đang ăn uống hàng ngày.
Nhưng nếu nhìn lại, thực ra các quán ẩm thực vỉa hè tại các đô thị lớn nhiều năm qua vẫn luôn thu hút một lượng khách du lịch nước ngoài lớn - và thậm chí, còn được "điểm danh" trên không ít tờ báo hay website quốc tế về du lịch. Ở đó, sức hấp dẫn của món ăn chỉ là một phần, câu chuyện còn lại nằm ở trải nghiệm độc đáo của thực khách, khi họ có thể "nhìn tận mắt, ngửi tận mũi" món ăn trước khi dùng, có thể thoải mái tương tác với chủ quán hoặc những thực khách khác - và cuối cùng, được tiếp xúc với dòng chảy của cuộc sống trên đường phố một cách không thể gần hơn.
Không phải ngẫu nhiên, dù cuộc sống phát triển tới đâu, nhiều cư dân tại các đô thị Việt Nam vẫn hào hứng với kiểu ẩm thực vỉa hè truyền thống này. Và cũng không phải ngẫu nhiên, ở các thành phố, ẩm thực vỉa hè không còn dừng ở một dịch vụ cung cấp cho các thị dân mà đã trở thành một phần di sản của đô thị, với những quán hàng, những khu phố ẩm thực tự phát được duy trì và biết đến qua nhiều thế hệ, cả ở người bán lẫn khách hàng.
Vẫn biết, ẩm thực và dịch vụ hàng quán vỉa hè là câu chuyện 2 chiều, với không ít mặt trái về trật tự đô thị. Nhưng với tiềm năng- cũng như sức hút hiện tại - đó vẫn sẽ là một "tài sản" đặc biệt tại các đô thị Việt Nam, nếu chúng ta biết giải những bài toán liên quan về quy hoạch giao thông, vệ sinh môi trường và thực phẩm, nâng cấp dịch vụ…
Tags