Góc nhìn 365: 'Sức tải' của di sản

Thứ Năm, 10/08/2023 07:36 GMT+7

Google News

Một thông tin đáng chú ý được đưa ra trong tuần qua: Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã có đề nghị không phát triển thêm các bãi tắm để "bảo vệ tính toàn vẹn và bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị" của Di sản Thế giới này.

Trước đó, nhiều thông tin được đưa ra cho thấy du khách tới Hạ Long đang gặp tình trạng thiếu bãi tắm nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số hơn 200 bãi biển tại các chân đảo ở không gian này, chỉ có khu vực đảo Ti Tốp sở hữu bãi tắm được phép hoạt động. Do vậy, đã có những ý kiến nhắc tới việc khu vực này cần mở thêm bãi tắm.

Góc nhìn 365: 'Sức tải' của di sản - Ảnh 1.

Bãi tắm trên đảo Ti Tốp, nơi duy nhất còn cho du khách vào tắm biển trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Ban quản lý vịnh Hạ Long

Đề nghị của Ban quản lý Vịnh Hạ Long khiến nhiều người nhớ tới một thực tế: Trong vài năm gần đây, di sản này vẫn thường xuyên được quan tâm về "sức tải" - có thể tạm hiểu là các thông số về giới hạn năng lực đón tiếp du khách dựa trên việc khai thác tài nguyên du lịch.

Cụ thể, từ năm 2020, phía quản lý di sản này đã đề xuất và chủ trì thực hiện  một nghiên cứu khoa học để xác định các thông số, đặc điểm của sức tải xã hội, sức tải môi trường, sức tải tài nguyên du lịch... tại Vịnh Hạ Long. Tiếp đó, vào tháng 5/2022, Hạ Long cũng trở thành Di sản Thế giới đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức hẳn một cuộc thảo để bàn riêng về sức tải của nó.

Đáng nói, theo nghiên cứu được đưa ra, Vịnh Hạ Long trên lý thuyết có thể đón được một lượng khách cao hơn rất nhiều so với thực tế. Bất cập hiện tại nằm ở chỗ toàn bộ di sản này chưa được điều tiết tốt về lượng khách, từ đó tạo ra các "điểm nghẽn" gây tình trạng quá tải cục bộ.

Góc nhìn 365: 'Sức tải' của di sản - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm chèo thuyền kayak, thuyền tay trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Chẳng hạn, theo các thống kê, vào những dịp cao điểm, 5 tuyến tham quan Vịnh Hạ Long đón tổng lượng khách khoảng 30 ngàn lượt/ngày. Tuy nhiên, có tới 25 ngàn lượt khách trong số đó tập trung vào 3 tuyến 1, 2, 5. Đặc biệt, nhiều điểm đến nổi bật trên các tuyến này  vào giờ cao điểm phải đón cùng tới 2 hoặc 3 ngàn lượt khách.

***

Ở thời điểm tại, bên cạnh việc Ban quản lý Vịnh Hạ Long đề nghị không mở thêm bãi tắm, một câu chuyện thời sự khác cũng vừa được nhắc tới: các chuyên gia cho biết hòn Trống Mái (hòn Gà Chọi) - biểu tượng của quần thể du lịch này - đang có dấu hiệu đứt gãy và đứng trước nguy cơ đổ sập. Và, việc đề nghị phân luồng ra vào, đồng thời hạn chế vận tốc của tàu thuyền đi sát khu vực này, là một trong các giải pháp đang được đưa ra.

Như thế, dù đề nghị từ phía quản lý Vịnh Hạ Long có thể cần được tiếp tục xem xét và kiểm chứng trong tương lai, chúng ta vẫn thấy được phần tích cực ở câu chuyện, khi việc bảo vệ di sản này được đặt lên cao nhất.  Và ở phần còn lại, có lẽ đã đến lúc di sản này cần nghiên cứu thêm đề xuất của các chuyên gia về việc áp dụng các "giải pháp mềm" để có thể tối ưu lượng khách tham quan.

Đó là các phương án sử dụng nền tảng công nghệ để điều tiết lượng khách; chia sẻ thông tin giữa 3 bên (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, du khách); có hình thức khuyến mãi cho tháng thấp điểm; thậm chí áp dụng mức giá khác nhau cho du khách theo từng khung giờ…

Nhìn rộng hơn, những gì diễn ra ở Vịnh Hạ Long cũng là một gợi ý tốt cho việc khai thác các Di sản Thế giới tại Việt Nam - khi mà chúng ta đã nhiều lần nói tới tâm lý "tận thu", chạy theo các chỉ số về lượt khách tham quan và ít chú ý đúng mức tới "sức tải" của di sản. Bởi, những khảo sát để xây dựng quy hoạch hợp lý về hệ thống bản đồ phân vùng sức tải du lịch của di sản, cũng như các giải pháp quản lý và phát triển phù hợp, không chỉ gắn với việc bảo tồn di sản mà còn giúp cho chúng được khai thác đúng với giá trị và tiềm năng của mình.

Trí Uẩn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›